Đà Lạt được biết đến là một trong những địa phương đi đầu trong việc chong đèn trồng hoa - giúp cây hoa tăng trưởng tốt trong điều kiện thời tiết giá lạnh cuối năm, qua đó tăng thu nhập cho nông dân. Và giờ đây, nhà vườn Đà Lạt cũng tiên phong trong việc áp dụng công nghệ đèn LED thay thế cho đèn compact trong khâu trồng hoa vừa giúp tiết kiệm điện năng vừa tăng hiệu quả canh tác. Đây là một phần của chương trình phối hợp giữa Tổng công ty Điện lực miền Nam với Công ty CP Nông nghiệp Đông Dương (đại diện của Công ty Aitech Korea) triển khai tại các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên như Lâm Đồng, Bình Thuận, Long An… áp dụng với hoa cúc cắt cành và thanh long trái vụ.
Ngược dòng thời gian
Còn nhớ, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi công nghệ trồng hoa trong nhà kính theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của Hà Lan lần đầu được áp dụng, gắn với sự xuất hiện của Công ty Hoa Dalat Hasfarm thì rất nhanh chóng, nhà vườn Đà Lạt đã học hỏi được việc sử dụng đèn điện thắp sáng cho hoa cúc để kích thích cây tăng trưởng trong điều kiện lạnh trên dưới 100C của TP Đà Lạt và vùng phụ cận như xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) đã thực sự mang đến luồng gió mới cho nông dân trồng hoa. Khi ấy, bà con sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt để thắp sáng hoa cúc vào ban đêm, cùng với giống hoa cúc mới nhập ngoại theo chân các nhà đầu tư nước ngoài (như lãnh thổ Đài Loan, Hà Lan) được du nhập, đã giúp nhiều nhà vườn trúng mùa liên tục. Khá nhiều giống hoa cúc mới như cúc Nghệ, cúc Tiger, cúc Đài Loan… với chất lượng vượt trội, hoa nở rực rỡ, cây cao, nhiều cành đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước suốt thời gian dài. Không cần có nhà lưới, nhà vườn cứ đêm đến chong đèn giữa trời tạo nên khung cảnh nhiều khu vực làng quê ở ngoại thành Đà Lạt như Xuân Trường, Xuân Thọ, Trại Mát… đêm đến vốn tĩnh lặng, bỗng trở nên lung linh bởi ánh sáng đèn điện.
Khoảng 10 năm sau đó, khi đã có vốn tích lũy, bà con chuyển sang trồng trong nhà lưới (lợp ni lông nên còn hay gọi là nhà kính) và chuyển dần từ bóng đèn tròn sợi đốt sang dùng đèn compact để tiết kiệm điện. Nhưng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã xuất hiện đèn LED và ngày càng được ứng dụng rộng trong sản xuất và đời sống. Từ đây, việc sử dụng đèn LED thay thế đèn compact bắt đầu được triển khai thí điểm.
Nhiều lợi ích
Vừa qua, Công ty Điện lực tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo Phát động chương trình hỗ trợ nông dân tiết kiệm điện trong chong đèn hoa cúc tại Lâm Đồng. Hội thảo được nhà vườn quan tâm đặc biệt, nhất là nông dân chuyên trồng hoa cúc vì về chủng loại, hoa cúc chiếm đến 45% diện tích canh tác hoa ở Lâm Đồng.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rau hoa và khoai tây, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) thông tin: “Từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã thử nghiệm dùng đèn LED chiếu sáng bổ sung 8 giờ/đêm trên diện tích 5.000m2 cho thấy hiệu quả rõ rệt khi lượng điện tiết kiệm được 30% so với dùng đèn compact và không hỏng một bóng nào”.
Ông Hồ Ngọc Dinh (Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt) hồ hởi cho biết, địa phương có 360ha trồng hoa cúc. Qua thử nghiệm bước đầu ở 3 hộ với diện 1ha cho thấy độ sáng của đèn LED gấp 4 lần đèn compact và nếu tất cả chuyển sang dùng đèn LED thì sẽ giảm được 70% lượng điện năng tiêu thụ. Nếu quy ra tiền sẽ rất lớn, qua đó giúp nhà vườn tăng thêm thu nhập. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn ủng hộ và thống nhất cao với những bước đi tiên phong của Điện lực Lâm Đồng trong ứng dụng đèn LED vào sản xuất hoa cúc trong thời gian tới. Tỉnh cũng cho biết, sẽ tạo cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính đầu tư ban đầu cho bà con nông dân.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Với diện tích hoa cúc hiện hữu, mỗi năm nông dân trong tỉnh tốn khoảng 102 tỷ đồng chi phí dùng điện thắp sáng hoa bằng đèn compact. Vậy nên, nếu tiết kiệm được 50% điện năng từ việc thay thế đèn compact sang đèn LED sẽ giúp tiết kiệm 50 tỷ đồng mỗi năm và như vậy sẽ giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho các nông hộ. Và không chỉ có vậy, việc dùng đèn LED còn tạo ra những hiệu ứng tích cực cho môi trường và là điều kiện để giúp nông dân làm quen với phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ”.
Được biết, ngoài cây hoa cúc, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện dự án nghiên cứu sử dụng đèn LED trên cây thanh long tại 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận, với mục đích chính là cung cấp đèn LED tiết kiệm điện để kích thích cây trái phát triển. Kết quả thực nghiệm cho thấy, tác dụng của đèn LED 6 chíp vàng cam (ánh sáng vàng) kích thích ra hoa trên cây thanh long rất hiệu quả. Vì vậy, đèn LED với các thông số ánh sáng phù hợp hoàn toàn có thể thay thế đèn compact và đèn tròn sợi đốt để sử dụng khống chế ra hoa trên hoa cúc cắt cành và kích thích ra hoa trái vụ trên cây thanh long ở các tỉnh phía Nam.
Hy vọng với việc bắt đầu làm quen với công nghệ đèn LED thắp sáng hoa cúc, bà con nhà vườn tại các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên sẽ có thêm nhiều những vụ hoa tết bội thu từ việc sử dụng đèn LED, mang lại ích lợi không chỉ cho mỗi nhà vườn mà còn giúp việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hướng đến sản xuất bền vững.