Hũ kiệu nồng, ấm lòng vui Xuân

Chiếc radio của bác Năm cạnh nhà đang cất vang những câu hát bài Mùa Xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao. Từng lời ca tiếng nhạc ngân vang làm lòng người như lặng lại “… rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa Xuân mơ ước ấy…”. Giữa khí trời se lạnh của những ngày giáp tết, con chim nơi hiên nhà cũng khép đôi cánh, lẳng lặng lắng nghe, cảm nhận giọt Xuân đọng nơi đầu sương ngọn cỏ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Trong hơi lạnh loang đều của đất trời, tôi bắt gặp cái mùi hăng hắc của củ kiệu lan tỏa khắp không gian, quyện chặt cùng thời gian. Nhà bác Năm, chẳng biết tự bao giờ đã lấp đầy khoảng sân trước bằng những củ kiệu trắng nõn nà trên chiếc xề đan bằng tre.

Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ mà những đứa trẻ trong xóm thường ngân nga khi nghe mùi kiệu hăng hăng nơi đầu mũi:

Người ta đón tết lao xao lắm

Mình tết đơn sơ cũng rộn ràng

Củ kiệu dưa hành đòn bánh tét

Bình hoa chậu kiểng khá tinh tươm.

Mùi củ kiệu đã trở thành vị sứ giả báo tin Xuân khắp xóm làng.

Mẹ tôi năm nào cũng vào độ đầu tháng Chạp sẽ đi chợ mua về một giỏ đầy ắp củ kiệu. Mẹ bảo món dưa kiệu nhà làm sẽ ngon và an toàn hơn nhiều. Tôi nghĩ mẹ nói đúng, vì kiệu nhà làm sẽ ấm nồng vị yêu thương của mẹ, cái vị ấy độc nhất vô nhị trong lòng mỗi người con.

Kiệu làm dưa, mẹ tôi chọn loại kiệu quế vì theo kinh nghiệm của bà tôi truyền cho mẹ và bây giờ mẹ truyền lại cho tôi thì kiệu quế củ khá to, rễ nhiều, lá mảnh, làm dưa sẽ rất ngon. Khi mua kiệu về, mẹ tôi sẽ cắt bỏ phần rễ và phần lá, sau đó lấy tro bếp hòa với nước mưa mà cha tôi hứng trong lu Mái Vú dành cho sinh hoạt, tro hòa vào nước đến khi lắng xuống thì lấy phần nước trong đem ngâm với củ kiệu qua một đêm. Mục đích của việc làm ấy, theo mẹ tôi là để khử bớt độ hăng của củ kiệu (đó là cách của mẹ tôi, nhưng theo tôi sau này tìm hiểu thì biết có nhiều nơi ngâm củ kiệu với nước muối – cách này cũng rất hữu hiệu trong việc khử độ hăng của kiệu).

Mỗi nơi, mỗi cách và tôi vẫn thích cách của mẹ tôi. Sau khi ngâm kiệu với nước tro qua một đêm, mẹ sẽ đem kiệu đi xả thật sạch với nước rồi lại đem phơi dưới cái nắng nhè nhẹ của tháng Chạp, cho kiệu hơi héo bề mặt và cũng cho kiệu tắm qua ánh nắng của quê nhà - vị nắng nhẹ nhàng của những ngày cuối năm. Ở xóm tôi, nhà nhà đều chuộng món kiệu làm dưa nên cứ gần đến tết là sân nhà ai cũng ngập tràn mùi hăng của kiệu. Bước chân vào xóm tôi, bạn sẽ bị mê hoặc bởi mùi vị Xuân quyện hòa vị kiệu vương đều trên nếp áo.

Củ kiệu sau khi phơi nắng đến không còn ẩm ướt thì đem trút hết vào một cái thau lớn. Sau đó, mẹ tôi sẽ đổ ngập nước giấm để nuôi kiệu. Loại nước giấm ngâm kiệu mẹ tôi dùng là loại giấm gạo được đun với đường, muối theo một tỷ lệ riêng thành một dung dịch chua chua, ngọt ngọt. Khi đun nước giấm xong, phải để cho hỗn hợp thật nguội mới cho vào thau kiệu, bởi nếu cho hỗn hợp nước giấm vào khi còn nóng thì những củ kiệu nõn nà sẽ chín một cách bất đắc dĩ và rồi món dưa kiệu sẽ trở thành món kiệu luộc mà thôi!

Cái nắng của tháng Chạp cứ nhẹ nhàng, không mãnh liệt nên rất thích hợp để đem kiệu đi phơi. Thau kiệu đặt trang trọng trên một chiếc ghế đẩu đặt giữa sân nhà. Thỉnh thoảng, tôi lại ra sân dùng đôi đũa cái trộn đều kiệu lên cho thấm đều nước giấm. Phơi nắng đủ ngày, mẹ tôi sẽ cho kiệu vào hủ thủy tinh lớn cứ một lớp kiệu sẽ là một lớp đường mỏng, đường sẽ tan chảy hòa cùng kiệu tạo nên một món ăn làm nao lòng bao đứa trẻ quê tôi.

Củ kiệu được ngâm đã bớt đi vị nồng, qua thời gian thấm gia vị đường, mắm đậm đà hòa quyện. Hương vị ấy sâu lắng, thiêng liêng mà gần gũi vô cùng, bởi đó là tất cả tình yêu thương vô bờ bến của mẹ chăm chút, gửi gắm qua từng vị tin yêu cho những ngày tết.

Cuộc sống bây giờ khấm khá hơn, từ ăn tết đã chuyển dần sang chơi tết, vui tết. Công nghệ sinh học lại phát triển, củ kiệu có quanh năm nên khi nào muốn thưởng thức hương vị dưa kiệu muối, đều có thể mua được, có được. Nhưng có lẽ để cảm nhận được hết vị thơm, vị ngon của dưa kiệu phải chờ đến ngày Tết cổ truyền, trong không khí ấm áp, đoàn viên, mỗi người như nhắc nhau nhớ về tổ tiên, về giá trị truyền thống của dân tộc.

Riêng tôi, dù cuộc sống ngoài kia có phát triển đến đâu thì hương vị dưa kiệu của mẹ vẫn nồng nàn làm ấm lòng vui Xuân.

TRƯƠNG HOÀNG HÂN

Thành phố Long Xuyên - An Giang

Tin cùng chuyên mục