Tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - thủy văn, cho biết, bão Noru đang tiến vào Biển Đông và sẽ trở thành cơn bão số 4 trong năm nay.
Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung bộ, tương đương cơn bão số 6 (Sangsane) vào tháng 9-2006; bão số 9 (Ketsana) tháng 10-2009 và bão số 9 (Molave) tháng 10-2020.
Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin, hiện còn 739 tàu, thuyền với 7.455 ngư dân trong vùng nguy hiểm khi bão vào Biển Đông. Trong đó có 127 tàu thuyền trên đường đi của bão. Cụ thể, tỉnh Bình Định có 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1 tàu và Phú Yên 2 tàu. Với tốc độ di chuyển rất nhanh của bão hiện nay, các địa phương cần khẩn trương liên lạc với các tàu cá thông tin và hướng dẫn các phương tiện nhanh chóng di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Thiếu tướng Lã Đại Phong, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ưngs phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: Đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh thuộc quân khu 3, 4, 5 và các đơn vị chuẩn bị triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.
“Tổng số lực lượng huy động là hơn 260.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ trên 3.000 phương tiện các loại ứng phó bão. Đề nghị bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh nắm chắc tình hình và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội, công an và các lực lượng khác đứng chân trên địa bàn, sẵn sàng phương án không để bị động khi tình huống xấu xảy ra, đặc biệt lưu ý di dời dân tại các khu vực trọng điểm và có nguy cơ sạt lở do mưa lũ bão”- Thiếu tướng Lã Đại Phong phát biểu.
Liên quan đến công tác sơ tán dân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, theo dự báo hiện nay với cường bộ bão vào đất liền giật cấp 13, 14 thì các nhà cấp 4 hoặc tốc mái hoặc sập. Các địa phương dự báo cấp độ thiên tai ở mức độ rủi ro cấp 3, cấp 4 phải có phương án sơ tán dân theo kịch bản. “Cố gắng sơ tán dân ở gần nơi người dân ở, bên cạnh đó phải đảm bảo an toàn tại các điểm sơ tán dân”- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Đánh giá cao các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, các địa phương, các bộ ngành cần xác định đây là cơn bão có cường độ rất lớn, tốc độ di chuyển nhanh và có khả năng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Do đó các bộ ngành, địa phương cần chủ động tổ chức thực hiện sơ tán dân, kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.
Các địa phương cần thống nhất phương án cấm biển từ sáng mai (26-9). Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm soát để vừa đưa tàu thuyền còn trên biển về nơi tránh trú, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, tránh để xảy ra tình trạng tàu về nơi tránh trú vẫn bị thiệt hại.
Công tác dự báo là rất quan trọng, phải tham khảo rộng rãi các cơ quan dự báo quốc tế để có đánh giá, dự báo chính xác với diễn biến của bão. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương khẩn trương khảo sát các nơi xung yếu, nhà cửa của người dân. Từ đó tính toán thời điểm, thời gian sơ tán người dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Tạm dừng, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ thành lập các đoàn công tác của Chính phủ để kiểm tra thực tế.
“Đây là cơn bão rất mạnh, vì vậy công tác đảm bảo thông tin, truyền thông thông suốt từ Trung ương xuống các địa phương rất quan trọng. Đề nghị tăng thêm thời lượng, mật độ các bản tin dự báo, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác nhất với tình hình thực tế phục vụ công tác chỉ đạo”- Phó Thủ tướng yêu cầu.