Trước tình hình này, lần đầu tiên Văn phòng vận tải biển quốc tế (ICS) và Hiệp hội chủ tàu hàng quốc tế (Intercargo) đã cùng phối hợp đề xuất một hình thức đánh thuế dựa trên cơ chế đóng góp bắt buộc với các công ty vận tải biển trên toàn cầu. Hồi tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất đưa ngành vận tải biển vào thị trường carbon của khối sau hơn 1 thập kỷ ngành này không phải chi trả phí gây ô nhiễm môi trường của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ICS cho rằng cách tiếp cận theo quy mô khu vực như của EU sẽ làm phức tạp hoạt động thương mại hàng hải toàn cầu.
Theo đề xuất, các công ty có tổng khối lượng khí thải gây ra vượt 5.000 tấn sẽ phải nộp khoản thuế bắt buộc tính theo mỗi một tấn khí thải CO2 vượt trội. Số tiền thu về sẽ được đưa vào quỹ khí hậu dùng để triển khai cung cấp nhiên liệu tại các cảng trên toàn thế giới với những loại nhiên liệu sạch hơn như hydrogen và amonia. Tổng Thư ký ICS Guy Platten cho biết ngành vận tải biển đang cần một biện pháp dựa trên thị trường với quy mô toàn cầu giúp tạo ra khoản bù đắp chênh lệch chi phí giữa nhiên liệu sạch và nhiên liệu thông thường.
Đề xuất này đã được gửi Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) của Liên hiệp quốc và sẽ được đưa ra thảo luận vào cuối năm nay. Mặc dù ngành vận tải biển không bị điều chỉnh trực tiếp bởi các hiệp ước quốc tế khác nhau nhằm giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu ở cấp độ thế giới nhưng IMO cam kết ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng và đảm bảo ngành vận tải biển đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu. IMO đang nỗ lực để đạt được những tham vọng này bằng cách kết hợp nhiều giải pháp, bao gồm các biện pháp hiệu quả năng lượng đã có từ trước và các biện pháp mới áp dụng. Chẳng hạn, các tàu hiện có phải được trang bị kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng, các tàu mới phải tuân thủ yêu cầu về chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng để thiết lập các cải tiến hiệu quả năng lượng tối thiểu cho tàu sao cho lượng phát thải CO2 dần dần giảm xuống đúng yêu cầu…