Và, những lô vaccine đầu tiên từ Hoa Kỳ như một nguồn động viên, khích lệ tinh thần trong những tháng ngày căng thẳng. Lúc 4 giờ 30 sáng 10-7-2021, chiếc máy bay số hiệu A7-BFN của Hãng hàng không Qatar đáp xuống sân bay Nội Bài, vận chuyển 2 triệu liều vaccine Moderna. Đây là số vaccine do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX. Nối tiếp sau đó, trong số hàng chục triệu liều vaccine đến Việt Nam thông qua nhiều cơ chế, số vaccine do Hoa Kỳ viện trợ chúng ta vẫn tăng đều đặn.
Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, từ tháng 7 đến cuối tháng 12-2021, Hoa Kỳ đã chuyển giao hơn 24 triệu liều cho Việt Nam, trở thành nhà tài trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam. Hoa Kỳ còn viện trợ khoảng 30 triệu USD vật tư và trang thiết bị y tế về giải trình tự gene, kit xét nghiệm, thiết bị bảo quản vaccine, máy tạo oxy, máy thở và hệ thống oxy lỏng.
Ông Robert Greenan, Quyền Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, cho biết, Hoa Kỳ rất vinh dự sát cánh Việt Nam với tư cách là đối tác trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông vẫn không quên “khi Hoa Kỳ đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam đã hào phóng cung cấp hàng triệu thiết bị bảo vệ cá nhân cho người dân Hoa Kỳ. Những nỗ lực hợp tác giữa hai nước chống lại căn bệnh đã cướp đi sinh mạng và sinh kế của người dân chúng ta là một biểu tượng có ý nghĩa cho tất cả những gì mà quan hệ đối tác song phương Hoa Kỳ - Việt Nam đạt được trong 26 năm, từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, trong đó có quan hệ giữa các địa phương của Hoa Kỳ với TPHCM hiện đang bền chặt hơn bao giờ hết”.
Hoa Kỳ còn góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam để sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hàng loạt cuộc hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM. Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), chỉ 1% doanh nghiệp Hoa Kỳ có kế hoạch rút khỏi Việt Nam. Trong khi đó, 29% cho biết đang lên kế hoạch mở rộng và 49% cho biết sẽ ở lại và tăng cường đầu tư. Hầu hết doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã hoạt động trở lại và đạt 100% công suất từ cuối năm 2021.
Tin tưởng vào những thành quả chống dịch của Việt Nam, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá cao chương trình tiêm chủng đáng khâm phục của Chính phủ Việt Nam khi chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi đã tiêm hàng triệu liều vaccine trên khắp cả nước.
Bà Damour khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà khởi sắc trở lại. Đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với cả Hoa Kỳ, bởi nền kinh tế hai nước có mối liên hệ chặt chẽ”.
Theo bà, lý do đơn giản là cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bền vững và an toàn vì không có lao động cưỡng bức. Bên cạnh đó, người lao động được chăm lo và bảo vệ, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam và toàn cầu.
Theo Bộ Công thương, sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, tăng 5 bậc so với năm 2020. Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 10-2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 89,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 76,7 tỷ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ 2020; chiếm tỷ trọng 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12,9 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, chiếm tỷ trọng 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu). |