Theo đó, FPT sẽ hợp tác với ULAW ở ba nội dung chính: tư vấn xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số; hợp tác xây dựng, phát triển nền tảng, phần mềm ngành luật; kết hợp các chương trình đào tạo, thực tập, tập huấn và hợp tác trong tuyển dụng.
Cụ thể, FPT sẽ tư vấn chiến lược và lộ trình chuyển đổi số, xây dựng ULAW trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, hiện đại, nhằm hướng ULAW tới mô hình đại học thông minh, đại học số. Qua đó, ULAW sẽ thuận tiện trao đổi dữ liệu và có khả năng mở rộng để phù hợp với quá trình chuyển đổi số của các bộ chủ quản.
FPT và ULAW cũng cùng hợp tác xây dựng, phát triển các nền tảng, phần mềm ngành Luật nhằm phục vụ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo pháp luật trong cả nước. Trong đó, FPT sẽ xây dựng các sản phẩm phần mềm phục vụ đào tạo, nghiên cứu pháp luật, hỗ trợ pháp lý, lấy AI làm công nghệ cốt lõi trong tất cả các khâu từ phát triển sản phẩm đến triển khai, kinh doanh.
Bên cạnh đó, FPT và ULAW sẽ kết hợp các chương trình đào tạo ở những lĩnh vực liên quan tới hoạt động của hai bên, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo về AI và Luật Sở hữu trí tuệ. Hai bên cùng hợp tác xây dựng thí điểm môn Luật và Trí tuệ nhân tạo vào trong chương trình đào tạo của ULAW.
Tập đoàn FPT cam kết sẽ hỗ trợ sinh viên ULAW, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động. Thực tế hiện nay, gần 35% số lượng cán bộ ngành pháp chế tại FPT đang là cựu sinh viên Đại học Luật TPHCM.
Qua thỏa thuận hợp tác này, FPT sẽ giúp Trường Đại học Luật TPHCM nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào quy trình giảng dạy, nghiên cứu và quản lý. Đặc biệt, trong tương lai sẽ mở ra những cơ hội mới cho hai bên trong việc phối hợp tạo ra các sản phẩm, dịch vụ số lĩnh vực luật, đáp ứng nhu cầu thị trường và xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đáp ứng các mục tiêu đổi mới phát triển bền vững, sáng tạo.