Hợp tác xã nông nghiệp tại TPHCM: Có chuyển biến, nhưng còn chậm

 
Tính về các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TPHCM hiện có 61 hợp tác xã (HTX), 236 tổ hợp tác và Liên hiệp HTX nông nghiệp hữu cơ - xuất nhập khẩu Hưng Điền (quận Bình Tân) với 4 HTX thành viên (Duyên Hải, Trường Thịnh, Điền Phát, Nông Thủy hữu cơ xanh). 
Chế biến rau tại HTX Phước An Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến rau tại HTX Phước An Ảnh: CAO THĂNG

Xu hướng hợp tác, liên kết 

Chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã có thêm 8 HTX nông nghiệp thành lập mới, đưa tổng diện tích đất sản xuất lên 646ha, bình quân 13,5ha/HTX; nhiều nhất là HTX Thỏ Việt với 108ha sản xuất rau an toàn, thấp nhất là HTX Ngọc Điểm với 0,85ha trồng hoa kiểng. Trong đó, 26/61 HTX thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên trồng rau an toàn, hoa kiểng, chăn nuôi (bò sữa, heo), thủy sản, bánh tráng. 

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT TPHCM, thời gian qua, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX với HTX và giữa doanh nghiệp - HTX ở thành phố có sự phát triển. Các HTX ngày càng chú trọng việc gắn kết các hoạt động với doanh nghiệp, rõ nét nhất là sản xuất rau an toàn và chăn nuôi bò sữa. 2 HTX tổ chức sản xuất với doanh nghiệp lớn là HTX Tân Thông Hội và HTX Phước An, trở thành 2 trong tổng số hơn 100 HTX nông nghiệp tiêu biểu của 63 tỉnh, thành trên cả nước (do Bộ NN-PTNT bình chọn). Ngoài ra, còn có 8 HTX tổ chức tiêu thụ sản phẩm của thành viên tại hệ thống siêu thị, như HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông, HTX Thỏ Việt, HTX Nhuận Đức, HTX Phú Lộc, HTX Phước Bình, HTX Phước An, HTX Ngã Ba Giồng, HTX Nấm Việt. Có 7 HTX nông nghiệp của thành phố tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm VietGAP: HTX Thỏ Việt (670 tấn rau/tháng), HTX Phú Lộc (357 tấn rau/tháng), HTX Phước An (143,8 tấn rau/tháng), HTX Nhuận Đức (60 tấn rau/tháng), HTX Nấm Việt (2,5 tấn nấm ăn/tháng), HTX Ngã Ba Giồng (162 tấn rau/tháng), HTX Phú Hòa Đông (4 tấn bánh tráng/tháng). Bên cạnh đó, 7 HTX này cùng với HTX Tiên Phong, HTX Long Hòa còn tham gia cung cấp sản phẩm cho 308 điểm bán các sản phẩm đạt chuẩn an toàn (chủ yếu là sản phẩm VietGAP) với các mặt hàng rau quả, thịt heo, bánh tráng, cá dứa, nấm ăn.

Thị trường yêu cầu nhiều sản phẩm khác nhau, một HTX không thể nào cung cấp đủ, vì vậy, thời gian gần đây, một số HTX đã tìm đến và liên kết với nhau để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, như HTX Phú Lộc thu mua rau của HTX Hưng Điền, HTX Nhuận Đức; HTX Mai Hoa thu mua rau của HTX Ngã Ba Giồng…

Các HTX còn tham gia chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, nhờ HTX tạo được nguồn cung ứng đầu vào ổn định (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) cho thành viên. Những HTX làm tốt khâu liên kết cung ứng đầu vào này thường thu hút nhiều thành viên tham gia. Điển hình là HTX Phước An đang tham gia 3 khâu của chuỗi cung ứng rau an toàn: Liên kết cung ứng đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; Liên kết sản xuất, sau khi ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với doanh nghiệp, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất chung và kế hoạch sản xuất cho từng thành viên, lịch thời vụ và giao cho các tổ sản xuất thực hiện; Liên kết thu gom, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Trong chăn nuôi, có 3 HTX tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm sữa (29,2 tấn/ngày), trong đó, HTX Tân Thông Hội chiếm 23,5 tấn/ngày. HTX Tân Thông Hội cũng tham gia vào 3 khâu của chuỗi cung ứng sản phẩm sữa. 

Tuy nhiên, chuỗi liên kết này vẫn còn một số hạn chế như HTX chưa liên kết tốt với các đơn vị cung ứng nguyên liệu đầu vào, chưa chủ động tạo nguồn cung chất lượng cũng như chưa có giá cạnh tranh, nên thành viên chưa thấy được lợi ích khi mua nguyên liệu của HTX so với mua ngoài thị thường. 

Nội lực vẫn yếu

Có thể nói, TPHCM đã có không ít chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất... Qua đó, đã có tác động nhất định đến việc đổi mới, phát triển HTX nông nghiệp. Một số HTX, tổ hợp tác nông nghiệp đã nhanh nhạy nắm lấy cơ hội, phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển. Nhiều HTX nông nghiệp có xu hướng chuyển dần từ hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ, sang cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống của thành viên. Việc chuyển đổi này phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, với tính chất đặc thù của nông nghiệp đô thị thành phố có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đã giúp thành viên hạ giá thành sản phẩm, ổn định sản xuất và có niềm tin vào HTX.

Tuy những nhân tố mới và xu hướng tích cực đã xuất hiện, nhưng tại không ít xã/phường, quận/huyện, nhận thức của cán bộ quản lý HTX  vẫn chưa thật sự sâu sát. Vẫn có HTX còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ, chưa phát huy nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, số doanh nghiệp đầu tư vào HTX chưa nhiều để giúp giải quyết đầu ra sản phẩm, cũng như chưa thu hút thành viên HTX tích cực đóng góp vào hoạt động HTX. Vốn hoạt động còn hạn chế, bình quân chỉ 2,6 tỷ đồng/HTX, nên thiếu vốn mở rộng sản xuất. HTX chưa hoặc khó tiếp cận nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoặc có tài sản thế chấp nhưng tổ chức tín dụng định giá đất và các tài sản trên đất, nhất là đất nông nghiệp, đất tại khu vực nông thôn thấp, chưa phù hợp với thị trường, ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động.  

Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, việc điều hành, quản lý HTX còn yếu kém, tỷ lệ lao động qua đào tạo hạn chế (chỉ 33,5%), thiếu nhân lực có tâm huyết. HTX quy mô nhỏ, ít gắn kết, lại cạnh tranh lẫn nhau, không thể phối hợp để cung ứng đơn hàng lớn theo yêu cầu của doanh nghiệp, nên việc sản xuất càng gặp khó khăn.

Tin cùng chuyên mục