Hợp tác xã miền Trung tạo lối đi riêng – Bài 3: Sớm khơi thông nguồn lực

Trước những khó khăn, vướng mắc chung của các HTX, trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo một số ban ngành Trung ương cho rằng, bên cạnh nội lực và khát vọng đột phá, phát triển của bản thân các HTX, cần khơi thông các nguồn lực thực chất để tiếp sức, gỡ khó cho kinh tế tập thể.

HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (Phú Yên) đang gặp khó khăn do thiếu vốn và thiếu đất. Ảnh: NGỌC OAI
HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (Phú Yên) đang gặp khó khăn do thiếu vốn và thiếu đất. Ảnh: NGỌC OAI

Ông LÊ ĐỨC THỊNH, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT):

Đa dạng hóa liên kết

Tình trạng một số HTX làm ăn kém hiệu quả, không chỉ riêng ở khu vực miền Trung, mà còn có ở miền Bắc, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân một phần do có một số HTX ra đời vội vàng, bởi trong 19 tiêu chí nông thôn mới, có tiêu chí phải có HTX và có mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, nên có những xã vận động thành lập HTX để về đích nông thôn mới. Trong khi những HTX này chỉ hoạt động theo hình thức, với mô hình cũ, ít chịu đổi mới.

Mặc dù vậy, trên cả nước vẫn có rất nhiều HTX hoạt động rất hiệu quả, luôn chủ động tìm ra hướng đi, giải pháp cho mình. Những HTX này không chỉ lựa chọn được sản phẩm độc đáo, có cách quản trị hiệu quả, người đứng đầu lăn lộn tìm kiếm thị trường, mà còn nhạy bén trong ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm - dịch vụ, tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức… Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước đã có 1.931 HTX nông nghiệp ứng dụng được công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 12%-13% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Đặc biệt, có trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX làm ăn kém hiệu quả và tiếp thêm sức cho HTX hoạt động hiệu quả, cần tăng cường chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với 4 tác nhân tham gia: hộ nông dân - tổ chức khoa học - HTX có liên kết với doanh nghiệp. Đến nay, trên cả nước đã triển khai được 2.038 chuỗi liên kết với 286 tổ chức khoa học, 686.445 hộ nông dân, 4.228 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 2.167 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, cần triển khai hiệu quả hơn Nghị định số 98/2018/ NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã ban hành Sổ tay hướng dẫn liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cùng các tiêu chí xây dựng HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

TS VŨ MẠNH HÙNG, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương:

Đơn giản thủ tục

Hiện, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước cần cơ cấu lại các chính sách hỗ trợ, phát triển HTX nông nghiệp theo hướng tập trung nguồn lực cho những chính sách thật sự mang lại hiệu quả, dừng triển khai những chính sách không hiệu quả, không phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hoặc những chính sách “lồng ghép” khó xác định được đối tượng thụ hưởng là HTX nông nghiệp. Tránh tình trạng chính sách hỗ trợ ban hành cụ thể nhưng không có nguồn lực thực hiện cụ thể.

Theo tôi, những chính sách đầu tư, tạo động lực cho HTX nông nghiệp phát triển cần ưu tiên nguồn lực tối đa cho các hoạt động, như: nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực; hỗ trợ ứng dụng KH-CN, chế biến sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; nâng cao năng lực tài chính của HTX nông nghiệp, chính sách tiếp cận vốn vay tín dụng và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Riêng chính sách thành lập mới HTX, đề nghị không thực hiện nội dung hỗ trợ kinh phí thành lập ngay sau khi HTX được thành lập.

Về chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm, cần kết hợp linh hoạt nhiều hình thức đảm bảo như thế chấp, tín chấp (có thể dựa trên kết quả kiểm toán), rút ngắn và đơn giản hóa thủ tục thẩm định máy móc, thiết bị, dự án đầu tư đảm bảo điều kiện vay. Với chính sách tín dụng cho HTX, cần ổn định các mức lãi suất điều hành để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và HTX. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định và quản lý chất lượng tín dụng.

t5a-5202-7589.jpg
Nhân viên của HTX Nông nghiệp Bình Đào (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phân loại lúa giống để đóng gói thành phẩm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Bà CAO XUÂN THU VÂN, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam:

Thêm nhiều mô hình năng động và thực chất

HTX có nhiều cái giàu: giàu tình cảm, tính cộng đồng, giàu nguồn lực đất đai và con người. Nhiều thành viên của HTX rất giàu kinh nghiệm, giỏi sáng tạo. Có chủ tịch kiêm giám đốc HTX nói với tôi, bây giờ HTX cũng uy tín lắm chứ không còn như trước. Người tiêu dùng bây giờ rất muốn mua sản phẩm của những HTX sản xuất xanh, có địa chỉ và uy tín. Chúng ta đã có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giờ cần đẩy mạnh thêm một bước là người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa của HTX.

Cái yếu nhất của HTX hiện nay là kỹ năng quản trị và tính liên kết theo một chuỗi, từ bắt đầu cho sản xuất đến đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Để thúc đẩy HTX phát triển, nên có chính sách đặc thù chứ không phải là chính sách ưu tiên. Thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương và các bộ: NN-PTNT, Công thương, KH-ĐT cũng rất quan tâm, dành nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể và HTX. Chúng ta đã có mô hình HTX nông nghiệp theo kiểu mới. HTX không chỉ làm nông nghiệp, mà còn làm công tác giáo dục, để chăm sóc, đào tạo cho học sinh từ mầm non đến cấp 3, hoặc HTX chăm sóc sức khỏe, HTX logistics, HTX thương mại (mua bán)…

Như tại Hàn Quốc, có HTX quy tụ hơn 2.000 thành viên, có đủ trường học mẫu giáo đến cấp 3, giáo viên và phụ huynh cùng là thành viên HTX. HTX quyết định học phí, chất lượng đào tạo. Hay như tại Việt Nam, cũng có HTX trong lĩnh vực thương mại rất thành công. Vậy tại sao không thể có HTX giáo dục, HTX y tế? Tại sao không thể thu hút một công ty vào làm thành viên của HTX (với phần vốn góp không quá 30%) trong khi luật cho phép?

Ông TRẦN KHÁNH, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Bắc Á:

Tháo gỡ khó khăn về vốn

Theo báo cáo tại Hội thảo khoa học “Tín dụng hợp tác xã: Thực trạng và giải pháp” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tháng 3-2023, tổng dư nợ của khu vực HTX mới chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế… Nhiều nguyên nhân khiến các HTX khó tiếp cận được vốn tín dụng, trong đó phương án sản xuất - kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa khả thi. Năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất… của HTX còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất - kinh doanh hiện nay. Chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách, báo cáo để đánh giá hiệu quả hoạt động. Các HTX thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, song giá trị thấp. Liên kết trong sản xuất của các HTX còn chưa tương xứng với số lượng, quy mô hiện nay. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm vẫn còn chưa thật sự mạnh.

Để làm nông nghiệp 4.0, HTX cần phát triển lên một tầm mới là HTX công nghệ cao (tập trung sản xuất hàng hóa nông nghiệp có giá trị) với sự dẫn lối và đặt hàng của doanh nghiệp. Từ năm 2018, chúng tôi đã ký biên bản ghi nhận cam kết với Liên minh HTX Việt Nam về đầu tư nguồn lực xây dựng mô hình HTX mới gắn với chuỗi giá trị về thảo dược và rau củ quả hữu cơ; hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu sản phẩm và tư vấn đầu tư, tài chính, hỗ trợ cho các HTX vay vốn để phát triển.

Tin cùng chuyên mục