Nợ chồng nợ
Ở “vựa” sản xuất nông nghiệp ven đầm Ô Loan trở vào TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), mấy năm nay hoạt động canh tác của nông dân lâm vào tình thế quẩn quanh, manh mún. Nhiều lý do được người nông dân đưa ra, trong đó đáng chú ý là các HTX “tê liệt” khiến họ mất phương hướng. Chúng tôi tìm đến trụ sở của 2 HTX nông nghiệp An Hòa Hải và An Hiệp nhưng đều đóng cửa im lìm, các nhà kho cho thuê hoặc bỏ hoang xuống cấp.
Giãi bày với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Hiệp, than: Các dịch vụ của chúng tôi đều không hiệu quả do không cạnh tranh nổi. Trước đây, đơn vị có dịch vụ cho vay tín dụng, nhưng sau đó đổ vỡ do người dân không trả nợ. Hiện nợ gốc tồn gần 600 triệu đồng, nợ lãi ngày càng tăng vì đòi mãi không được, đưa ra tòa án xử lý cũng không xong. Chúng tôi duy trì hoạt động nhờ nguồn thủy lợi phí, thu vé chợ ít ỏi. HTX trước đây có gần 1.700 hộ, nhưng nay giảm hơn 40%. Số thành viên hưởng lương 7 người, nhưng hiện chỉ còn 3 người làm việc, trong đó lương của giám đốc 1,5 triệu đồng/tháng, còn lại từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.
Ngược ra Quảng Bình, Liên minh HTX tỉnh này thông tin, địa phương có 31 HTX đang chờ giải thể. Trong đó, HTX Du lịch cộng đồng Chày Lập thành lập từ năm 2008, được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và tổ chức Counterpart đầu tư 2 nhà gỗ, 10 xe đạp, 4 thuyền kayak, 1 xe bán tải phục vụ du lịch. Ông Võ Xuân Thái, Giám đốc HTX Chày Lập, bày tỏ, do đi vào hoạt động thời điểm du lịch chưa phát triển ở vùng Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) nên không hiệu quả. Năm 2016, đơn vị giải thể, nợ tiền công của xã viên, nợ Quỹ Tương lai xanh 265 triệu đồng. Nhà gỗ xuống cấp khó thanh lý, ô tô chuyển UBND xã Phúc Trạch sử dụng. Hiện các xã viên đợi đại hội để giải thể. Nhưng để thực hiện các việc này, phải có định giá từ các cơ quan chức năng vì tài sản của HTX.
Có thâm niên mấy chục năm (thành lập từ năm 1977), HTX Nông nghiệp Duy Phước là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây. Thời hoàng kim, HTX có hơn 4.000 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, may mặc, đồ gốm, phân phối điện sinh hoạt…, với doanh thu gần 7 tỷ đồng/năm. Sau đó, nhiều ngành không còn phù hợp trong khu dân cư, phải tái cơ cấu. Năm 2022, doanh thu của HTX tụt còn 3 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ đồng từ cấp bù thủy lợi phí. Còn khối tài sản hơn 22 tỷ đồng mà Nhà nước đầu tư trước đây đã xuống cấp trầm trọng. Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Phước Lê Trung Nam lo ngại: Nguồn thu từ thủy lợi phí cũng rất cam go do giá điện tăng, nên càng bơm càng lỗ. Chúng tôi phải giảm lương để đắp đổi qua ngày, nhiều nhân viên phải đi làm thuê thêm mới đủ sống…
Thiếu đất lẫn vốn
Đề cập đến khó khăn của HTX kiểu mới, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (Phú Yên), chia sẻ: Là mô hình HTX mới, nên quá trình hoạt động ban đầu của đơn vị rất khó khăn do hạ tầng manh mún, đất đai phân tán và lối tư duy sản xuất cũ. Khi triển khai, do người dân tham gia hời hợt, ngẫu hứng và thiếu chuyên nghiệp nên dự án đối diện nhiều rủi ro, thất bại. Hiện, chúng tôi đang thực hiện 2 dự án, gồm: Làng nông nghiệp, du lịch văn hóa cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An); các làng du lịch cộng đồng buôn làng Ê Đê ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, Phú Yên) với nguồn vốn trên 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vốn vay rất khó tiếp cận, chủ yếu vốn vận động từ các thành viên và bản thân tôi phải thế chấp các tài sản cá nhân, hoặc vay các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án, nên rủi ro và áp lực rất lớn. Sau hơn 10 năm “tê liệt”, vừa qua HTX Nông nghiệp An Hòa Hải (huyện Tuy An, Phú Yên) được giám đốc trẻ Nguyễn Bình Nguyên tiếp nhận với khao khát hồi sinh hoạt động. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, HTX vướng nhiều khó khăn, trong đó sổ sách, giấy tờ đất đai, tài sản do thất lạc nên tiếp cận các nguồn vốn không được. “Nhiều dự án, ý tưởng chúng tôi ấp ủ nhưng giờ không có vốn cũng chịu. Hiện, chúng tôi có ý tưởng mở dự án sản xuất rau sạch ứng dụng mã vạch, đăng ký nhãn hiệu để nâng giá trị sản phẩm cho người nông dân, nhưng do bà con không mặn mà nên gặp khó. Hay, việc phát triển du lịch cộng đồng kết hợp các sản phẩm truyền thống, nông sản OCOP nhưng gặp khó do không có vốn.
Riêng dự án du lịch cộng đồng làng Yến (xã An Hòa Hải), chúng tôi cần nguồn vốn khoảng 2 tỷ đồng để khởi động, nhưng giờ không có tài sản thế chấp để đi vay, trong khi nguồn vốn ưu đãi khác thì thủ tục rườm rà, khó tiếp cận”, anh Nguyên tâm sự. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Lê (đại diện HTX quế Trà My - Minh Phúc, Quảng Nam) chia sẻ, đơn vị vừa mua máy tinh chế tinh dầu quế 1 tỷ đồng, được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 40%. Còn khu nhà xưởng, kho tập kết cũng rất tốn kém, gần như phải “tự túc” từng chút một, vì các quy định để tiếp cận nguồn hỗ trợ rất ngặt nghèo. Do vốn eo hẹp, HTX gặp khó trong thu hút người trẻ có năng lực về làm việc, nên bộ máy vẫn còn kiêm nhiệm, gồng gánh, vừa làm vừa học. Khi chúng tôi thắc mắc: “Các HTX hoạt động cầm chừng, vậy vai trò của Liên minh HTX tỉnh ra sao? Đơn vị đã có đề xuất, kiến nghị hay giải pháp nào để các HTX vươn lên, phát triển?”. Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, phản hồi: Nhiều giải pháp được đơn vị đưa ra, kể cả tạo điều kiện để các HTX tiếp cận doanh nghiệp, nhưng mấu chốt vẫn là cơ chế, chính sách chưa được khơi thông, nhất là nguồn vốn.
Nội dung này, chúng tôi đã kiến nghị Trung ương để cập nhật bổ sung, điều chỉnh Luật HTX (dự kiến đến tháng 7-2024 có hiệu lực)”. Còn ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, cho rằng: Chúng tôi cũng đã nắm bắt được những khó khăn của các HTX thời gian qua. Để phát triển, ngoài bản thân các HTX phải tự thân khắc phục những tồn tại, các cấp ngành ở địa phương và Trung ương cũng nên có cuộc “đại phẫu” để làm rõ từng điểm nghẽn, hầu tìm ra hướng giải quyết thiết thực nhất, cụ thể cho từng mô hình HTX. Theo tôi, yếu tố cơ bản nhất là giải quyết nhu cầu về vốn cho các HTX. Bởi “có bột mới gột nên hồ”.
Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh này có 65 HTX ngừng hoạt động hoặc chưa giải thể được. Đa số HTX hoạt động không hiệu quả, không có vốn và tài sản, rệu rã bộ máy và thành viên. Một số HTX nợ tín dụng và nợ các tổ chức kinh tế khác, có đơn vị mất con dấu. Hiện, 26 HTX đang nợ thuế trên 1,2 tỷ đồng; 24 HTX thủy sản đang nợ 29,1 tỷ đồng do vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 trước đây. Liên minh HTX tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Trung ương xin xóa nợ, gỡ khó cho 24 HTX thủy sản, nhưng hiện vẫn chưa có kết luận.
Trong khi đó, tỉnh Bình Định có 14 HTX đang bị vướng các thủ tục, hồ sơ đất đai để được miễn tiền thuế đất từ khi Luật Đất đai 2013 ra đời. Vì vậy, số HTX này bị nợ tiền thuế đất hàng trăm triệu đồng, khiến việc làm ăn, liên kết của các HTX gặp nhiều khó khăn. Liên minh HTX Bình Định đã kiến nghị đến đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia Kinh tế tập thể Trung ương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Quốc hội xem xét nhưng chưa có kết quả.