Trong những năm qua, từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, có rất nhiều HTX đã vượt qua khó khăn để phát triển. Không ít HTX khởi nghiệp đã tạo được hướng đi mới, cho ra sản phẩm mang thương hiệu Việt, đáp ứng tiêu chí xanh, bền vững để xuất khẩu.
Vai trò thủ lĩnh
Dưới sự lèo lái của Giám đốc Trần Đình Thọ, đời sống hơn 2.000 hộ xã viên HTX Nông nghiệp Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) dần khấm khá hơn. “Lão tướng” Trần Đình Thọ kể, đơn vị đang phát triển 11 dịch vụ, chia thành các tổ như: gặt lúa giúp dân, thủy lợi, thu gom rác thải, ép dầu thực vật, điện, cơ giới hóa, tư vấn hỗ trợ cây giống mới… “Bí quyết nào để HTX duy trì hoạt động hiệu quả trong khi có nhiều nơi lận đận?”.
Nghe chúng tôi hỏi, ông Trần Đình Thọ bộc bạch: “Mình phải luôn xác định là phục vụ nông dân, tạo niềm tin cho họ, luôn phải đi đầu trong việc xác lập những mô hình, ý tưởng mới. Khi tìm được cây trồng, vật nuôi mới từ các viện nghiên cứu cho năng suất cao, chúng tôi tiên phong sản xuất thử nghiệm, nếu hiệu quả thực sự thì mới triển khai rộng cho xã viên, bà con. Làm gì cũng tính đến hiệu quả và phải có lãi, trả lãi 1,5%-2% cho các xã viên đóng góp thì họ mới hăng hái tham gia”.
Trước năm 2015, toàn xã Tây Giang chưa có đơn vị nào đứng ra để thu gom rác thải cho dân. Mỗi ngày lượng rác thải ùn ứ khiến bà con bức xúc vì ô nhiễm. Sau đó, một số hộ xã viên đề nghị HTX Nông nghiệp Thượng Giang nghiên cứu. Thấy thiết thực, ông Trần Đình Thọ quyết định chi 50% vốn và vận động thêm 50% vốn cổ phần để đầu tư công cụ, thùng, xe dọn rác. Ban đầu, chỉ vài chục hộ dân tham gia, đóng phí rác 3.000 đồng/tháng, nhưng về sau mô hình nhân rộng phục vụ cho hàng ngàn hộ dân toàn xã nên đường làng, ngõ xóm dần xanh, sạch, đẹp…
Ngược vô Phú Yên, HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Tuy An) là một mô hình mới, khác biệt nhất trong chuỗi HTX ở miền Trung với định hướng xây dựng hệ sinh thái kết hợp “nông nghiệp xanh - du lịch cộng đồng - giáo dục”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (44 tuổi, Giám đốc HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ), chia sẻ: Chúng tôi đang thực hiện 3 dự án, ý tưởng mới tại tỉnh Phú Yên, gồm homestay nông nghiệp; làng nông nghiệp, du lịch văn hóa cộng đồng An Mỹ; các làng du lịch cộng đồng buôn làng Ê Đê ở xã Ea Trol…
Trong đó, mô hình homestay du lịch - nông nghiệp - văn hóa cộng đồng ở làng Phú Phong (xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên) đã thành công bước đầu. Bên cạnh khai thác các giá trị từ nông nghiệp, du lịch cộng đồng, văn hóa, chúng tôi đã ký hợp tác với 1 doanh nghiệp ở TPHCM khai thác thêm trong lĩnh vực giáo dục sinh thái, đào tạo và hỗ trợ chứng chỉ lao động xuất khẩu sang các nước, như: Australia, New Zealand, Canada, Mỹ và châu Âu…
Tiên phong tập trung ruộng đất
Tại Quảng Nam, HTX Nông nghiệp Bình Đào (huyện Thăng Bình) được xem như “ngọn cờ đầu”, thành công trong thực hiện mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất của tỉnh. Ông Võ Tấn Sanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào, nhớ lại: “Năm 2015, huyện đi đầu trong chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất nên đơn vị đăng ký tiên phong. Ngày đầu, tìm vùng đất tích tụ để chuyên canh rất gian nan, do ruộng, nương manh mún và người dân chưa mạnh dạn. Sau đó, chúng tôi tìm được một vùng đất rộng 5ha, do sản xuất kém hiệu quả, bà con chủ yếu đi làm công nhân, dịch vụ du lịch ven biển nên sẵn sàng cho thuê. Chúng tôi chuyên canh thử nghiệm sản xuất lúa giống chất lượng cao”.
Có nền tảng rồi, HTX mời gọi được 6 công ty nông nghiệp liên kết hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật, phân bón và tiêu thụ giúp bà con. Nhờ đó, các hộ tham gia có thu nhập khá, HTX cũng có lợi khi nâng được vốn lên 5,4 tỷ đồng, bắt đầu có lãi năm đầu 120 triệu đồng, lương lao động 4,5 triệu đồng/tháng, tạo thêm thu nhập 240.000 đồng/ngày cho 30 lao động khoán ngoài. Thấy mô hình hiệu quả, bà con hăng hái tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp Bình Đào nâng diện tích đất tích tụ lên 85ha làm theo đặt hàng của các công ty, với những giống lúa chất lượng cao, như: ST24, ST25, nếp hương Lân Trường Giang…
Còn tại Quảng Bình, HTX Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) là cơ sở kinh tế tập thể đầu tiên ở miền Trung quy hoạch, quy tụ được 350ha đất nội đồng, đầu tư hạ tầng sản xuất hiện đại với bê tông nội đồng trục ngang, trục dọc rộng rãi dành cho ô tô, xe cơ giới. Theo lãnh đạo UBND xã An Ninh, hạ tầng HTX này đồng bộ nhất, và đây cũng là HTX vận động được sự đóng góp từ bà con hàng năm rất lớn, gần 13 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung.
Ứng dụng công nghệ mới
Nhờ sự nỗ lực tập thể và những sáng kiến mới, những năm qua, doanh thu của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) liên tục tăng từ 6,3 tỷ đồng (năm 2019) lên 10,3 tỷ đồng (năm 2021); thu nhập bình quân tăng từ 5,1 triệu đồng lên 5,4 triệu đồng/người/tháng. Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, chia sẻ, đơn vị đang kết nối với Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam để xây dựng mô hình sản xuất gắn tiêu thụ lúa giống bằng cánh đồng lớn 200ha.
HTX cũng đang triển khai dự án sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tạo nguồn thu từ đón khách du lịch và tạo ra các giá trị mới từ trải nghiệm, giáo dục nông nghiệp xanh, sạch, an toàn. Mỗi vụ, đơn vị cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh 138,5 tấn rau quả, nông sản các loại theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá cả cao, ổn định.
Đơn vị cũng vừa khởi động mô hình HTX sản xuất các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn với du lịch trải nghiệm thông qua các sản phẩm, như: dưa, rau, hoa sen… Trong đó, mô hình sản xuất sen OCOP hiện cho nguồn thu 300-400 triệu đồng/ha/năm. Đơn vị còn phối hợp các đơn vị, Tập đoàn Lộc Trời để thí điểm, trình diễn mô hình phun thuốc, gieo sạ hiện đại từ máy sạ chùm và máy bay không người lái...
Trong khi đó, HTX Quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) được xem là mô hình HTX trẻ, khởi nghiệp với chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, hướng đến xuất khẩu “đệ nhất cao sơn ngọc quế”. Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, đại diện HTX, cho biết: Đơn vị đã có hơn 20 sản phẩm được sản xuất từ cây quế bản địa. Liên kết 26 hộ dân là người bản địa với 56ha quế để có nguồn nguyên liệu ổn định.
Đồng thời tập huấn cho các hộ trồng và khai thác quế theo tiêu chuẩn quốc tế để đủ điều kiện xuất khẩu. HTX đã có sản phẩm lọt vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2013, có sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Bắc Trà My và đang làm thủ tục công nhận 5 sao để trình diễn ở hội chợ quốc tế.
Bên dòng sông Gianh, ông Lê Thanh Triển (xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đang điều hành HTX đũa Quảng Thủy với 8 xã viên, trả lương cho 30 nhân công với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng. Hôm chúng tôi ghé thăm, ông Lê Thanh Triển đang chỉ đạo bộ máy tăng gia sản xuất các gói hợp đồng, gồm: đũa, môi, thìa gỗ… theo đơn đặt hàng của đối tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ông Lê Thanh Triển kể: “Năm 2007, HTX được thành lập, ban đầu có 7 thành viên góp vốn và đào tạo nghề, trả lương cho 30 nhân công địa phương. Mô hình phát triển nhanh, mỗi năm nguồn thu trên 7 tỷ đồng, sản phẩm dần được khẳng định thương hiệu, xếp hạng 3 sao OCOP. Hiện, thị trường đang mở rộng xuất khẩu qua các nước Đông Bắc Á, châu Âu và phấn đấu tạo việc làm cho 300 lao động”.