Khát nhân lực
Ngành du lịch đang được đánh giá là ngành cần nhân sự cao gấp 2 - 3 lần so với các ngành trọng điểm khác (như giáo dục, y tế, tài chính…). Đối với TPHCM, một trung tâm lớn về du lịch, đặc biệt với nhiều tiềm năng về du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên), nhu cầu từ nay đến năm 2020, mỗi năm cần khoảng 21.600 lao động.
Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 43% năm 2015 và khoảng 43,5% năm 2020. Trình độ trung cấp chiếm khoảng 27,5% năm 2015 và 25,5% năm 2020. Trình độ cao đẳng và đại học khoảng 28,5% năm 2015 và 29,5% năm 2020. Trình độ trên đại học khoảng trên 1% năm 2015 và khoảng 1,5% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nhân lực được bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc trong tổng số nhân lực qua đào tạo của ngành du lịch khoảng 35% - 40% thời kỳ 2011-2015 và khoảng 30% - 35% thời kỳ 2016-2020.
Tuy nhiên theo các khảo sát, lao động trong ngành du lịch hiện nay so với yêu cầu của hội nhập, phát triển, cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt trong khu vực dịch vụ cao cấp (tiêu chuẩn khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc hơn nữa), thì nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Khu vực dịch vụ cao cấp có tính cạnh tranh cao, nhưng nhân lực của Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng quản trị toàn cầu và quản trị chuỗi giá trị đặc thù của ngành. Chẳng hạn, các cơ sở lưu trú và phục vụ ẩm thực, các công ty vận chuyển du lịch; những nhà tổ chức du lịch liên quan đến MICE, thiên nhiên, văn hóa, di sản, thể thao và du lịch mạo hiểm; nghề thủ công và bán lẻ, các công ty công nghệ hỗ trợ.
Thị trường lao động du lịch của Việt Nam có sự đa dạng lớn về yêu cầu và mức độ các kỹ năng. Ngành du lịch trải rộng từ những yêu cầu phức tạp đối với các sản phẩm và dịch vụ 5 sao cho đến các yêu cầu rất đa dạng trong các khu vực kinh doanh nhỏ và không chính thức. Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cần xác định và ưu tiên đề xuất xoay quanh các chiến lược rõ ràng với định vị giá trị riêng của từng phân khúc. Đó là cách tiếp cận có ưu tiên, có trọng điểm và dồn hết nguồn lực để hoàn thành ưu tiên theo lộ trình.
Hình thành dự án “mẫu”
Chúng ta có thể tham khảo mô hình phát triển nguồn nhân lực du lịch của một số quốc gia Đông Nam Á hợp tác với Học viện William Angliss (Australia) - một học viện đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu thế giới. Tại Indonesia, Học viện William Angliss kết hợp với Quỹ viện trợ Australia - Ban Thư ký ASEAN thành lập và tập trung phát triển hệ thống đào tạo quốc gia về du lịch và kỹ năng như: phát triển tiêu chuẩn năng lực công nghiệp, đánh giá ngành đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu đầu tư du lịch ASEAN với các khuyến nghị đầu tư.
Tại Singapore, Học viện William Angliss được Chính phủ Singapore mời thành lập Trung tâm Giáo dục và Đào tạo du lịch (CET) để cung cấp các khóa học chính thức mà chính phủ tài trợ cho người dân Singapore. Học viện William Angliss Singapore cũng tích cực đào tạo cho các học viên trong lĩnh vực khách sạn, sự kiện và du lịch.
Có thể thấy rằng, Chính phủ Indonesia và Singapore linh hoạt trong cách tiếp cận hợp tác khác nhau với đối tác hàng đầu quốc tế, dựa trên sự ưu tiên về chiến lược phát triển nhân lực ngành du lịch. Đây là bài học quan trọng đối với TPHCM để phát triển du lịch thành phố. Cụ thể, TPHCM có thể mời tất cả công ty trong nước và quốc tế cùng suy nghĩ và tham gia với cơ chế thưởng, phạt, lợi ích và đầu tư rõ ràng. Một phương thức mời gọi như vậy có thể thông qua cơ chế quỹ (quỹ phát triển du lịch TPHCM chẳng hạn), tạo thành một nền tảng để hút các nguồn lực mong muốn đầu tư vào du lịch nói chung và phát triển nguồn nhân lực trong du lịch nói riêng.
Một ví dụ khác là chương trình phát triển nguồn nhân lực (một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020), hay UBND TPHCM cũng đang thực hiện chương trình thu hút tài năng đặc biệt cho thành phố. Những chương trình này hoàn toàn có thể mở rộng để đối tác tư nhân cùng tham gia vì mục tiêu chung cho sự phát triển du lịch thành phố. Các doanh nghiệp mới và đang nổi còn là chìa khóa cho sự thịnh vượng trong tương lai của ngành du lịch Việt Nam. Họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao trong ngành du lịch toàn cầu và bao gồm một số lĩnh vực chuyên môn phát triển nhanh nhất như spa/chăm sóc sức khỏe, golf, sòng bài, thể thao…
Để cụ thể hóa ý tưởng trên, chúng tôi đề nghị xây dựng chương trình phát triển 2 - 3 dự án trọng điểm cho nhân lực du lịch của TPHCM với cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Việc thực hiện thành công một vài dự án như vậy không những tạo ra “thành công mẫu” cho du lịch của một địa phương cụ thể, mà còn tạo ra một sự tiên phong quan trọng trong cách làm, cách thực hiện, tạo thành những liên minh đầu tư cho du lịch của cả nước.
Ông TỪ QUÝ THÀNH -Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang: Có một thực tế, các tiết học ở một số trường đào tạo nhân lực du lịch (đại học, cao đẳng…) vẫn còn nặng tính lý thuyết, thời lượng thực hành chưa nhiều. Phương pháp đào tạo chủ yếu trên giấy tờ, trong khi công việc đòi hỏi kỹ năng, rèn luyện liên tục. Những bất cập này, người trong nghề đã chỉ ra tại nhiều hội thảo, diễn đàn, nhưng kết quả thu được chưa khả quan. TPHCM đã và đang nỗ lực tìm lối ra cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Theo tôi, chúng ta cần đi thẳng vào vấn đề yếu kém hiện nay - đó là thiếu thực hành. Do đó, doanh nghiệp phải đào tạo lại, gây tốn kém đủ kiểu. Phải chăng, chính các em cũng gánh “lỗ hổng” ngay từ khi xác định ngành nghề? Không biết nghề mình có gì nổi bật, có phù hợp khả năng hay không, học theo chỉ định của người lớn vì được hứa hẹn viễn cảnh tươi sáng... Nên chăng, các trường tăng chủ động ký kết hợp tác với các nhà hàng, khách sạn để học sinh, sinh viên được tăng cường thực tập, cọ xát với nghề. Đối với doanh nghiệp chúng tôi, hầu như không nhận thực tập đại trà mà chỉ phỏng vấn số lượng giới hạn. Sau đó bên tôi sẽ cắt cử 1 - 2 người kèm sát các bạn mới, tạo điều kiện cho các bạn học hỏi, bạn nào có tố chất, kỹ năng, sẽ được nhận vào làm việc tại công ty. Nhóm nghề dịch vụ - du lịch (hướng dẫn viên, phục vụ phòng…) đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, khiêm tốn. Trên hết, lòng hiếu khách là một trong những yếu tố quan trọng, nhưng chưa được người học quan tâm nhiều. Người làm nghề này có thể thiếu chuyên nghiệp nhưng lòng mến khách luôn phải có, thường trực trên từng ánh mắt, cử chỉ, nụ cười… Lòng mến khách cần biến thành kỹ năng. Khi ăn uống, du lịch ở bất kỳ nơi nào tôi đều quan sát rất kỹ, do thói quen nghề nghiệp. Có cửa hàng nhỏ khách rất đông, không chỉ vì món ăn ngon mà thái độ phục vụ ở đây khá chu đáo, tận tâm. Ngược lại, có nhà hàng sang trọng, nhưng nhân viên phục vụ đứng chụm lại tám chuyện, khách gọi mỏi mòn không quan tâm. Nhà hàng có dịch vụ kém như vậy thì chuyện đóng cửa chỉ là vấn đề thời gian. Việc tổ chức thực hành tốt trong quá trình giảng dạy sẽ khắc phục, giảm thiểu những vấn đề này. |