Khóa tập huấn diễn ra trong năm ngày, từ ngày 9-7 đến 13-7, tại Ba Vì, Hà Nội. Đây là hoạt động tăng cường năng lực đầu tiên trong khuôn khổ Dự án: “Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”.
Khóa tập huấn nhằm mục đích cung cấp kiến thức chung về hành động bom mìn và tập trung đặc biệt vào các yếu tố chính của công tác này, đó là Quản lý thông tin; Quản lý chất lượng; Khảo sát và rà phá cho các đội tham gia dự án.
Phát biểu khai mạc Khóa tập huấn, ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc VNMAC cho biết: “Công tác quản lý thông tin, quản lý chất lượng hiện tại vẫn cơ bản được thực hiện theo các mẫu in sẵn. Để từng bước hòa nhập với thời đại 4.0, những công tác này sẽ được thực hiện trên phần mềm đã được dựng sẵn, giúp cho công tác tổng hợp được thuận lợi, chính xác, kịp thời, giúp cho Ban Quản lý Dự án nắm được tiến độ từng tuần (có thể đến từng ngày). Khóa tập huấn này sẽ giúp chúng ta tiếp cận đến những cải tiến này”.
Các phương pháp được sử dụng trong tập huấn kết hợp giữa kiến thức và thực hành, trong đó giảm thiểu bài giảng lý thuyết và tối đa hóa việc thực hành/hướng dẫn thực hành trong các nhóm nhỏ tối đa 10 học viên/nhóm, với thiết bị và công cụ trong công tác hành động bom mìn.
Tại khóa tập huấn, ông Nil Christensen, Cố vấn trưởng Hành động bom mìn cho biết: “UNDP có dự án Hành động bom mìn ở 20 nước trên thế giới. Đối với dự án này, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ để các cơ quan có đủ kỹ năng và năng lực lập kế hoạch ngành và xác định các hoạt động hành động bom mìn ưu tiên. Khóa tập huấn giúp cán bộ chiến sĩ học hỏi các cách tiếp cận mới, các bài học thành công của quốc tế và áp dụng vào công tác hành động bom mìn ở Việt Nam”.
Dự án: “Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” sẽ được thực hiện trong 3 năm (2018-2020) nhằm loại trừ triệt để ảnh hưởng của bom mìn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định, nơi diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ chiếm từ 30-40% diện tích toàn tỉnh.
Tổng ngân sách dự án là 29,675 triệu USD, trong đó 20 triệu USD từ Chính phủ Hàn Quốc và 9,675 triệu USD từ Chính phủ Việt Nam.
Dự án sẽ huy động tổng cộng gần 1.700 nhân sự của Quân đội Việt Nam, chia làm 21 tổ khảo sát và 52 tổ rà phá. Dự kiến, các hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn áp dụng phương pháp mới sẽ được triển khai từ cuối năm 2018, với mục tiêu khảo sát và rà phá bom mìn trên địa bàn hai tỉnh với tổng diện tích lên đến 20.000 ha.