Thắp lên niềm vui
Love in Vietnam là dự án phim hợp tác đầu tiên giữa 2 quốc gia, đã được giới thiệu rộng rãi tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2024 vào tháng 5 vừa qua. Tại Hội thảo Hợp tác phim ảnh Ấn Độ - Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội Xin chào Việt Nam 2024 vừa diễn ra tại TPHCM, ông Rahul Bali, nhà sản xuất của Love in Vietnam không giấu được sự xúc động và gọi đây là “giấc mơ đã thành hiện thực”.
Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa một cô gái Việt Nam và chàng trai Ấn Độ, với kinh phí đầu tư khoảng 4 triệu USD. Dự kiến bấm máy vào tháng 9 tới, phim sẽ có 75% cảnh quay được thực hiện tại các địa điểm nổi tiếng như: Đà Lạt, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Theo kế hoạch, Love in Vietnam sẽ được công chiếu đồng thời tại cả Việt Nam và Ấn Độ vào năm 2025. Ngoài bộ phim nói trên, còn 2 dự án phim hợp tác Việt - Ấn đã được lên kế hoạch gồm: 1 phim hài và 1 phim hành động sẽ được thực hiện tại hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình).
Về phía Việt Nam, ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc điều hành LHP quốc tế TPHCM (HIFF 2024) nhận định, chúng ta đang có nền điện ảnh trẻ phát triển mạnh mẽ và ổn định, sự quan tâm đầu tư từ Chính phủ và địa phương, sự phát triển của các nền tảng OTT (dịch vụ cung cấp nội dung kỹ thuật số trực tuyến thay cho truyền hình truyền thống hoặc truyền hình cáp) nội địa… đã tạo ra một môi trường làm phim thuận lợi. Đặc biệt, quy trình kiểm duyệt không có nhiều rào cản phức tạp cũng là một lợi thế cạnh tranh đáng kể.
“Sự kết hợp giữa thị trường trẻ đầy tiềm năng của Việt Nam và thị trường truyền thống, rộng lớn của Ấn Độ sẽ tạo ra một sức hút lớn”, ông Toàn cho biết thêm.
Việc hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đạt được thành công. Mặc dù có những khác biệt về văn hóa, nhưng điện ảnh Ấn Độ lại không mấy xa lạ với khán giả Việt Nam, thậm chí phim Ấn Độ từng có thời kỳ hoàng kim tại Việt Nam vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Đặc biệt, cơn sốt phim truyền hình Ấn Độ như Cô dâu 8 tuổi cuối thập niên 2000 cũng cho thấy sức hút mãnh liệt của nền điện ảnh này đối với khán giả Việt.
Thách thức vẫn còn
Trên thực tế, việc hợp tác quốc tế ở lĩnh vực làm phim đã diễn ra nhiều năm qua. Điện ảnh Việt từng có cú “bắt tay” với nhiều nền điện ảnh phát triển trong khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Một số dự án đã ra rạp có thể kể đến: La La - Hãy để em yêu anh, Kẻ thứ 3 (hợp tác với Hàn Quốc), Yêu em từ khi nào, Những cô gái và Găng tơ (hợp tác với Hồng Công - Trung Quốc), Nhắm mắt thấy mùa hè (hợp tác với Nhật Bản), Mỹ nhân thần sách, Là mây trên bầu trời của ai đó (hợp tác với Thái Lan)… tiếc là hầu hết các bộ phim này không được đánh giá cao hay có doanh thu phòng vé tốt. Lý do chính được cho là vì các phim này có nội dung không phù hợp thị hiếu khán giả của 2 nước, cách thể hiện cũ kỹ, theo lối mòn…
Tuy nhiên gần đây, dòng phim hợp tác đã có những tín hiệu tích cực ở dòng phim nghệ thuật độc lập khi một số tác phẩm: Bên trong vỏ kén vàng, Culi không bao giờ khóc, Mưa trên cánh bướm… có cơ hội tham dự, đoạt giải thưởng lớn tại những LHP hàng đầu như Cannes, Berlin, Venice… Riêng trường hợp Bên trong vỏ kén vàng khi phát hành quốc tế còn có doanh thu cao hơn hẳn trong nước (hơn 273.000 USD ở thị trường quốc tế so với hơn 75.000 USD ở trong nước). Tại Pháp, phim đạt doanh thu hơn 210.000 USD.
Theo bà Liza Dino, Giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh TP Quezon kiêm Giám đốc điều hành Chợ dự án Qcinema (Philippines): “Có những bộ phim cần hợp tác quốc tế và được đồng sản xuất bởi nhiều quốc gia. Tuy nhiên, có những phim không nên hợp tác khi nó mang tính bản địa cao, đã được đo ni đóng giày cho từng thị trường. Do đó, luôn cần xem xét từng trường hợp để đảm bảo có phương án sản xuất, sáng kiến phù hợp”.
Trong câu chuyện hợp tác điện ảnh Việt - Ấn, trước khi được hiện thực hóa với Love in Vietnam, cả hai nền điện ảnh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và khám phá cơ hội hợp tác. Bởi trên thực tế, chưa có dự án nào đủ để chứng minh rõ ràng hiệu quả của những tiềm năng đã dự báo. Như chia sẻ của nhà làm phim Umesh Bansal, để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, cả hai bên cần có những bước đi thực tế. Điều quan trọng nhất là mỗi bộ phim phải tạo ra sự gần gũi, đồng cảm để chinh phục khán giả 2 quốc gia. Và trong các dự án hợp tác, vai trò và sự hỗ trợ của chính phủ các quốc gia về cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí… luôn rất cần thiết.