Kế hoạch đã cụ thể hóa một số nhiệm vụ cơ bản như: hợp tác quốc tế về quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển; hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ biển; công tác truyền thông thúc đẩy hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Trong nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, Bộ TN-MT yêu cầu các đơn vị có liên quan thúc đẩy và mở rộng các hoạt động quan hệ hợp tác với các đối tác về phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt chú trọng các đối tác ở khu vực ASEAN; Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA); Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Ngân hàng Thế giới (WB); Liên minh Châu Âu (EU); Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF)... và các diễn đàn quốc tế lớn như: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (VEF); Hội nghị Thượng đỉnh G20, G7; Hội đồng Đại dương Thế giới (WOC). Đồng thời, phối hợp tìm kiếm, vận động các nguồn lực quốc tế cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về hoàn thiện chính sách, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý tài nguyên biển và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.