Hợp tác là tất yếu
Đầu tháng 11, POPS Worldwide ra mắt chuyên trang video giải trí POPS TV, đồng thời công bố hợp tác chiến lược cùng NBCUniversal - tập đoàn truyền thông và giải trí hàng đầu thế giới phát hành chuyên trang giải trí E!Zone lần đầu tiên tại Việt Nam.
Việc hợp tác này dựa trên 3 nội dung: Thứ nhất, POPS Worldwide sẽ là đơn vị Việt hóa và độc quyền phát hành các chương trình truyền hình thực tế đình đám thuộc kênh truyền hình E! như: Keeping up with the Kardashians, #RichKids of Beverly Hills, Citizen Rose, Botched, 2PM Wild Beat…. Thứ hai, POPS sẽ sản xuất và phát hành các phiên bản Việt Nam dựa trên format những chương trình hấp dẫn thuộc truyền hình E!. Cuối cùng, hai bên sẽ cùng hợp tác sản xuất một số nội dung giải trí độc đáo và hấp dẫn mang dấu ấn văn hóa bản địa trong thời gian tới.
“Sản xuất các nội dung đậm văn hóa Việt là định hướng trọng tâm trong việc hợp tác. Tôi tin khán giả nước ngoài cũng mong muốn có những hiểu biết về nghệ sĩ Việt, thị trường giải trí trong nước”, bà Esther Nguyễn CEO của POPS Worldwide cho biết. Trước khi hợp tác với NBCUniversal, POPS cũng từng hợp tác với nhiều đơn vị nước ngoài như: TV Asahi, Turner, FUN Union, TLC… để đưa nhiều chương trình đến khán giả trên môi trường trực tuyến.
Ở lĩnh vực truyền hình, dấu ấn hợp tác điển hình nhất là thành công của nhiều bộ phim thời gian qua như: Tuổi thanh xuân 1 và 2, Khúc hát mặt trời, Tình khúc bạch dương, Hai phía chân trời… Một trường hợp khác đó là công ty truyền thông Purpose của nghệ sĩ Thanh Bùi, đã mua bản quyền các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi như: Peppa Pig, Bubu cha cha, Pink Fong, Thủ lĩnh thẻ bài, Con nhà giàu, Chuyến phiêu lưu của Maru, Gia đình kẹo dẻo… và phát trên sóng HTV3 DreamsTV.
Trong khi đó, ở địa hạt điện ảnh, việc hợp tác thậm chí còn nở rộ hơn trong vài năm trở lại đây. Có thể kể đến: Em là bà nội của anh, Fan cuồng, Chàng vợ của em, Lala: Hãy để em yêu anh, Sắc đẹp ngàn cân, Hồn papa da con gái, Trường học bá vương (Việt Nam - Hàn Quốc)...
Chủ động nắm bắt cơ hội
Khi hợp tác quốc tế không còn lạ lẫm, câu hỏi đặt ra là: nếu muốn yếu tố văn hóa bản địa ngày càng có vị trí vững chắc, cần làm những gì? Đối với các đơn vị sản xuất tại Việt Nam, việc nội địa hóa bắt buộc phải đi vào chiều sâu, đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động của các ê kíp sản xuất. Ông Lại Bắc Hải Đăng, Phó ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV3, dẫn chứng về trường hợp của Sasuke - Không giới hạn: “Ban đầu, chúng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều từ phiên bản gốc của Nhật Bản. Tuy nhiên, từ mùa thứ 2, tinh thần chương trình có những điều chỉnh khác đi. Những người tham dự Sasuke Việt Nam không hẳn là những chiến binh. Chúng tôi muốn chia sẻ những khoảnh khắc không bình thường của những người bình thường, từ đó khuyến khích, động viên mọi người hướng đến thành công trong cuộc sống hàng ngày”.
Lĩnh vực phim ảnh, quá trình hợp tác đang dần chuyển biến từ vị trí gia công, làm thuê cho các đơn vị nước ngoài, sang thế ngang bằng. Tức là các ê kíp mạnh dạn đưa yếu tố bản địa vào thông qua việc lựa chọn bối cảnh, nhân vật, câu chuyện… Đối với những bộ phim Việt hóa hay chuyển thể từ các tác phẩm văn học nước ngoài, tinh thần Việt cũng đặc biệt được chú trọng nhờ những điều chỉnh tình tiết câu chuyện để phù hợp văn hóa Việt; lồng ghép các yếu tố về văn hóa, ẩm thực, nghi lễ trong đời sống hàng ngày.
Một dẫn chứng cho thấy sự chủ động tích cực đó là trường hợp của Mỹ nhân thần sách, bộ phim hợp tác với Thái Lan, khi ê kíp quyết định thực hiện 2 phiên bản tiếng Việt - tiếng Thái dành riêng cho khán giả mỗi nước. Điều này vừa giúp nâng cao vị thế của các đơn vị sản xuất Việt khi hợp tác, đồng thời mở ra cơ hội đưa phim Việt ra nước ngoài. Và giữa rất nhiều chương trình truyền hình đình đám nước ngoài được mua về, khi hợp tác cùng NBCUniversal, trên POPS TV cũng giới thiệu đến khán giả một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh thuần Việt - Lời nguyền tuổi 17.
Nhưng yếu tố nội tại thôi chưa đủ, quá trình hợp tác rất cần tranh thủ sự hỗ trợ tối đa từ phía đối tác. Thời điểm thực hiện Nhắm mắt thấy mùa hè, ê kíp làm phim có được hỗ trợ đặc biệt của một nhà sản xuất cũng như các diễn viên Nhật Bản. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh từng tiết lộ, khi làm Sắc đẹp ngàn cân, phía Hàn Quốc đã đưa chuyên gia hóa trang sang Việt Nam để thực hiện phần tạo hình cho Minh Hằng.
Hợp tác đồng nghĩa 2 bên cùng có lợi và các đối tác nước ngoài còn mong muốn làm được nhiều hơn thế. Bà Sohni Kaur, Giám đốc chiến lược và phát triển Netflix châu Á - Thái Bình Dương cũng cho biết, với quy mô phát triển toàn cầu như hiện nay, song song với việc mở rộng thị trường, đơn vị này cũng đặc biệt chú trọng sản xuất nội dung cho từng thị trường riêng biệt. Bên cạnh việc đặt ra tiêu chuẩn cho các đối tác địa phương, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ đào tạo, cử các chuyên gia quốc tế đến trợ giúp. Hiện nay, Netflix đang đẩy mạnh việc “đem những nội dung châu Á đến thế giới”. Đây chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công không chỉ của riêng Netflix mà còn nhiều đơn vị sản xuất nội dung muốn thâm nhập thị trường Việt Nam.