Hợp tác phát triển nghề cá khu vực ASEAN hiện đại, bền vững và có trách nhiệm
SGGPO
Sáng 27-6, tại TP Đà Nẵng, Cuộc họp Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN lần thứ 11 và Cuộc họp Nhóm công tác Thủy sản ASEAN lần thứ 27 diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến. Đây là một trong những hoạt động của Chuỗi sự kiện Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN lần thứ 9.
Thực hiện những sáng kiến hợp tác phát triển đó, chuỗi sự kiện Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN (ASA Meeting), Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN (AFCF) và Cuộc họp của Nhóm công tác Thủy sản ASEAN (ASWGFi) được tổ chức thường niên nhằm thảo luận các vấn đề hợp tác và phát triển nghề cá khu vực Đông Nam Á.
Thủy sản là nguồn thực phẩm quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và sinh kế của nhiều cộng đồng cư dân Đông Nam Á - nơi sản xuất một lượng lớn sản phẩm thủy sản của thế giới.
Khu vực ASEAN đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu, trong đó có 4/10 quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Thủy sản là nguồn thực phẩm quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và sinh kế của nhiều cộng đồng cư dân Đông Nam Á
Thủy sản cũng là một trong 12 ngành, lĩnh vực ưu tiên hội nhập của khu vực ASEAN với lộ trình tập trung vào 4 chủ đề chính là an toàn thực phẩm; nghiên cứu và phát triển; phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ thông tin.
Khu vực Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để phát triển cả hai lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản với tiềm năng mang lại giá trị lớn cả về phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, phần lớn nghề cá của các quốc gia thành viên ASEAN vẫn còn đang trong quá trình phát triển từ thủ công, quy mô nhỏ sang nghề cá hiện đại, quy mô công nghiệp và bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc
Phát biểu tại khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hầu hết các nước ASEAN, ngành thủy sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là việc cung cấp lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4 triệu lao động.
Việt Nam cũng tiếp tục chú trọng sự phát triển và đảm bảo sự công bằng đối với nghề cá quy mô nhỏ, đặc biệt là đời sống, quyền và lợi ích của cộng đồng nghề cá quy mô nhỏ thông qua cơ chế đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
“Trước những biến đổi khí hậu khó lường, điều kiện thị trường bất ổn… Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực Châu Á nói chung gặp nhiều thách thức khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của mình. Khai thác hải sản hợp lý và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững đang là những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với việc quản lý nghề cá của Việt Nam và các nước thành viên ASEAN”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam luôn đạt những thành tựu đáng kể. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018, đạt 7,74 triệu tấn, tăng 18,2% so với năm 2015.
Phần lớn nghề cá của các quốc gia thành viên ASEAN vẫn còn đang trong quá trình phát triển thủ công, quy mô nhỏ
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 1 - 1 - 2019 là bước ngoặt quan trọng chuyển đổi nghề cá của Việt Nam từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng các thị trường thế giới, yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo qui định; quản lý và sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác thủy sản có trách nhiệm, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh môi trường…