Hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh

Ngày 24-7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Viện Công nghệ sinh học Việt Nam (IBT) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo báo cáo lần thứ nhất tiến độ chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh”.
Chuyên gia Trung tâm giám định ADN giám định xương

Chuyên gia Trung tâm giám định ADN giám định xương

Tại hội thảo, GS-TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam nêu rõ, định danh hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ ưu tiên của nhiều nước trên thế giới, và Việt Nam không là ngoại lệ. Trong đó, phương pháp giám định bằng ADN được coi là cốt lõi, nhất là với hài cốt thiếu thông tin, không thể định danh bằng phương pháp thực chứng.

Do đó, giai đoạn năm 2000-2003, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam đã nghiên cứu các kỹ thuật tách ADN từ mẫu hài cốt và mẫu lưu bảo tàng cho mục đích phân tích gene.

Các kết quả giám định ADN tại Viện Hàn lâm KH-CN là căn cứ khoa học để Chính phủ quyết định đưa công nghệ giám định ADN trở thành một phương pháp khoa học, tin cậy đối với việc định danh hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin.

GS-TS Chu Hoàng Hà cho biết, năm 2019, Trung tâm giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học Việt Nam đã được đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm và là 1 trong 3 đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN định danh các mẫu hài cốt liệt sỹ thiếu thông tin.

Sau 4 năm hoạt động trung tâm đã giám định hơn 4.000 mẫu, trong đó gần 80% phải thực hiện giám định hơn 1 lần. Qua đó, hơn 1.200 mẫu được giám định thành công và được dùng định danh liệt sĩ.

GS-TS Chu Hoàng Hà phát biểu tại hội thảo

GS-TS Chu Hoàng Hà phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, quá trình giám định AND hài cốt là vấn đề rất khó khăn, thách thức nên chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh” có ý nghĩa đặc biệt, giúp Việt Nam vừa khép lại những vấn đề xã hội từ quá khứ, vừa hướng tới tương lai qua việc tiếp nhận những kiến thức và thiết bị tiên tiến.

Từ đầu năm 2023 tới nay, thông qua chương trình trên, ICMP đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam nỗ lực phát triển và tối ưu các công nghệ phân tích ADN mới.

Đến nay, các công nghệ mới này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực và là cơ sở để USAID thông qua ICMP hỗ trợ giúp đỡ Trung tâm giám định ADN các trang thiết bị, vật tư thử nghiệm công nghệ ADN thế hệ mới, giúp làm chủ, nâng cao hiệu quả và hoàn thiện phương pháp mới này cho việc giám định hài cốt liệt sĩ tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

Bà Kathryne Bombergher, Giám đốc ICMP cho biết, việc tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh rất quan trọng với các quốc gia, qua đó góp phần hàn gắn hòa bình, xóa dần vết thương chiến tranh.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh bằng những công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, với hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin, ICMP sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Việt Nam về trang thiết bị, công nghệ hiện đại để việc tìm kiếm, giám định hài cốt người mất tích hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Công Tiến, Giám đốc Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích, dù chiến tranh đã kết thúc hơn 50 năm nhưng hậu quả mà nhân dân Việt Nam đang phải gánh chịu còn rất nặng nề.

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập hài cốt, 300.000 liệt sĩ chưa tìm được thông tin; 3 triệu người Việt Nam tiếp tục đối mặt với hậu quả chất độc da cam và hàng trăm ngàn héc-ta đất bị bỏ hoang.

Những năm qua, Hoa Kỳ đã nỗ lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục một phần hậu quả nói trên, trong đó, việc hợp tác nâng cao năng lực định danh hài cốt liệt sĩ Việt Nam là hoạt động nhân đạo đầy ý nghĩa. “Chương trình này góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, giúp hài cốt liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc được đoàn tụ với gia đình”, ông Lê Công Tiến bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục