Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia, với chủ đề “Đoàn kết vì hòa bình và thịnh vượng”, các Bộ trưởng Ngoại giao MLC sẽ đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động 5 năm Hợp tác Mekong - Lan Thương (2018-2022). Hội nghị cũng đề ra các phương hướng mở rộng hợp tác và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước, trên tinh thần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khi phải đối mặt với những mối đe dọa trên toàn cầu.
Hợp tác Mekong - Lan Thương là nền tảng hợp tác tiểu vùng mô thức mới, do Trung Quốc và 5 nước sông Mekong cùng khởi xướng và xây dựng, nhằm làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực. Mối hợp tác này có lợi cho tiến trình nhất thể hóa ASEAN và nhất thể hóa khu vực; đóng góp cho hợp tác Nam - Nam, thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Gần đây nhất, vào tháng 6-2021, Hội nghị MLC lần thứ 6 được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hợp tác Mekong - Lan Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức thành công Diễn đàn nguồn nước Mekong - Lan Thương lần thứ 2; triển khai các nghiên cứu chung về khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai; tổ chức diễn đàn hợp tác chính quyền địa phương lần thứ nhất, hội thảo liên minh các thành phố du lịch, các hoạt động kỷ niệm 5 năm hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương tại 6 nước thành viên. Nhiều dự án sử dụng Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương năm 2021 cũng đã được ký kết và triển khai.