Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Các dự án xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa đã góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Sáng nay, 1-11, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) đã tiếp bà Bonnie Glick, Phó Giám đốc toàn cầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và dự Lễ bàn giao mặt bằng dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa giữa Quân chủng Phòng không - Không quân và USAID tại Việt Nam.

Dự buổi làm việc và chứng kiến lễ bàn giao có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và USAID tại Việt Nam.

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ảnh 1 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao đổi với bà Bonnie Glick tại buổi tiếp. Ảnh T.B
Tại buổi tiếp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và bà Bonnie Glick đã trao đổi, đánh giá về những hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua, đồng thời thảo luận về phương hướng trong thời gian tới. Về kết quả hợp tác, hai bên đã tổ chức thành công Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” tại Washington vào ngày 26-3-2019 vừa qua.
Đây cũng là cơ hội tốt để hai nước nhìn lại chặng đường đã qua và các nước tham khảo kinh nghiệm trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, hai bên đã tổ chức thành công Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng với 32,4ha diện tích đất sạch sau xử lý được bàn giao để phục vụ mở rộng sân bay, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Trong khi đó, khu vực sân bay Biên Hòa là một trong các điểm nóng bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin với diện tích đất hơn 52ha cần phải xử lý, tẩy độc. Ước tính khối lượng đất là hơn 500.000 mét khối cần phải xử lý ô nhiễm dioxin, gấp khoảng 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng.
Năm 2018, USAID đã ký thỏa thuận với Quân chủng Phòng không - Không quân về khoản đóng góp 183 triệu USD của USAID cho Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu tiên. Dự án đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt và khởi động vào tháng 4-2019. Theo ước tính của phía Việt Nam và Hoa Kỳ, chi phí xử lý cần hơn 390 triệu USD và công tác xử lý tổng thể sẽ được hoàn thành trong 10 năm. Đây là một trong những dự án lớn nhất thế giới về xử lý môi trường bị ô nhiễm chất độc dioxin. Cùng với khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin, hai bên đã có bước tiến quan trọng trong hợp tác hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất độc hóa học thông qua việc ký Bản ghi nhận ý định (MOI) giữa Văn phòng 701 và USAID vào ngày 20-4-2019.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trân trọng cảm ơn Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và USAID tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam thời gian qua; đồng thời, đề nghị USAID tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Trước mắt, cần xác định và lựa chọn công nghệ cụ thể xử lý đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa để thẩm định, đánh giá, phê duyệt trước khi áp dụng; có biện pháp kiểm soát an toàn, giảm thiểu các tác động của dioxin đối với con người trong quá trình thực hiện Dự án, đồng thời tiếp tục bảo đảm ODA để tiến tới xử lý toàn bộ đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Bà Bonnie Glick nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Theo bà Bonnie Glick, xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai quốc gia. Bà Bonnie Glick cho rằng hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác thực hiện sứ mệnh nhân đạo là kiểm kê quân nhân mất tích trong chiến tranh và khắc phục các vấn đề về di sản chiến tranh, bao gồm loại bỏ vật liệu chưa nổ, hỗ trợ người khuyết tật và xử lý ô nhiễm dioxin.

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ảnh 2 Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và bà Bonnie Glick ký Biên bản bàn giao mặt bằng dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Ảnh T.B
Phát biểu tại Lễ bàn giao mặt bằng Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa giữa Quân chủng Phòng không - Không quân và USAID, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh là một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và việc khởi động dự án này thể hiện nỗ lực của cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa có nhiều thuận lợi, từ những kinh nghiệm thu được ở Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng.
“Chúng tôi mong muốn các đối tác Hoa Kỳ cùng với Chính phủ Việt Nam sẽ cùng nỗ lực vượt qua mọi thử thách để đi đến tận cùng của sự nghiệp cao cả, đó là không để chất độc dioxin gây hại cho người và thiên nhiên Việt Nam nữa. Lễ bàn giao hôm nay là một bước tiến nữa trong nỗ lực khắc phục hậu quả của quá khứ, nhưng đồng thời cũng là thêm một bước vững chắc để đi tới tương lai hợp tác tốt đẹp hơn giữa hai nước”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

 Chiều cùng ngày, USAID, Bộ Công thương và Sở Công thương TPHCM tổ chức sự kiện công bố Dự án An ninh năng lượng Đô thị Việt Nam trị giá 14 triệu USD. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2019-2023) do USAID tài trợ với mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng đô thị, thúc đẩy triển khai những giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến ở một số đô thị được chọn tại Việt Nam, trong đó có TPHCM. Dự án sẽ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam và vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị thông qua phối hợp với chính quyền địa phương và tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Bà Bonnie Glick đã trao tặng Bộ Công thương phần mềm PLEXOS và phần cứng đi kèm. Các công cụ tiên tiến này sẽ giúp Bộ Công thương mô phỏng hoạt động vận hành của các nhà máy điện trong nhiều năm nhằm đạt những mục tiêu tối ưu về sản xuất và truyền tải năng lượng.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục