Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) 24 giờ của Singapore vào ngày 14-9 lần đầu tiên đạt mức không lành mạnh kể từ tháng 8-2016, với việc vượt quá 100 điểm vào lúc 4 giờ chiều. Ông Masagos viết trong một bài đăng trên Facebook rằng: “Sự trở lại của khói mù là một lời nhắc nhở về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đã ảnh hưởng đến khu vực ASEAN trong nhiều năm. Làm ô nhiễm không khí chúng ta hít thở và thải ra khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu”. Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), khói mù trở nên tồi tệ hơn vào chiều 14-9 do sự hội tụ của gió ở khu vực dẫn đến khói mù nhiều hơn bay từ Sumatra sang Singapore. Ông cho rằng đó là lý do vì sao cần có sự giải quyết và hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nước ASEAN và các bên liên quan, để đạt được tầm nhìn về một ASEAN không có khói mù vào năm 2020. Hãng tin Channel News Asia dẫn lời ông Masagos nói thêm rằng Singapore đã đề nghị giúp đỡ Indonesia để chống cháy rừng như mọi năm.
Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin tuần qua cũng đã đề nghị giúp Indonesia dập tắt đám cháy rừng ở Kalimantan và Sumatra và nhắc lại mối quan ngại của Malaysia trước tình trạng khói mù xuyên biên giới dai dẳng. Tuần trước, Malaysia đã phải đóng cửa hơn 400 trường học, vì khói và tro lan sang nhiều khu vực hơn, trải dài từ Thái Lan đến Philippines, khiến chất lượng không khí giảm xuống mức không lành mạnh.
Hiện có 450 điểm nóng cháy rừng được phát hiện chủ yếu ở các tỉnh Riau, Jambi và Nam Sumatra của Indonesia, gia tăng mạnh từ mức 156 điểm vào cuối tuần qua. Các vụ cháy rừng đã hoành hành khắp các vùng của Sumatra và Kalimantan trong những tuần gần đây, khiến Chính phủ Indonesia phải đưa quân đội và cảnh sát để dập lửa. Chất lượng không khí ở các thị trấn Indonesia gần nhất với đám cháy đã tăng đến mức nguy hiểm trong tuần qua, hàng ngàn người đã tổ chức cầu nguyện mưa.
Các vụ cháy rừng ở Indonesia đã lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ và rất ít thay đổi. Điều này đã xảy ra vào thời điểm mà những ngọn lửa khổng lồ cũng đang hoành hành khu vực Amazon ở Nam Mỹ vì lý do tương tự - khai hoang đất rừng để làm nông nghiệp. Đây là cách rẻ nhất và nhanh nhất để chuẩn bị đất canh tác, nhưng gây hậu quả lớn. Những lo ngại đang nảy sinh về tác động của cháy rừng trên toàn thế giới đối với sự nóng lên toàn cầu.
Năm 2002, các thành viên ASEAN đã đưa ra một thỏa thuận về khói mù xuyên biên giới để đối phó với thảm họa. Phải mất 12 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, Indonesia mới phê chuẩn thỏa thuận vào năm 2014. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy Malaysia và Singapore chưa hài lòng với cách xử lý các đám cháy ở Indonesia. Tờ The Star của Malaysia viết: “Luật pháp và quy tắc sẽ không có nghĩa gì nếu không có sự thực thi đúng đắn. Thỏa thuận đồ sộ chỉ đơn thuần là một đống giấy tờ vô dụng mà không ai chú ý nghiêm túc”. Cũng theo báo The Star, một báo cáo ở Indonesia cho rằng khói mù chỉ là kết quả của việc đốt rừng chứ không phải do thiên tai, không phải là thảm họa nên cơ quan thảm họa quốc gia và địa phương phản ứng không tương xứng. Điều đáng nói là theo thỏa thuận trên, ASEAN đã đặt mục tiêu cho một khu vực không có khói mù vào năm 2020 nhưng xem ra điều đó còn xa vời.