Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Trung Quốc trong gần 7 năm qua, mở ra hy vọng đưa mối quan hệ song phương vốn thường xuyên trong trạng thái căng thẳng bước sang một giai đoạn mới.
Bàn về kinh tế, an ninh
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Thủ tướng Shinzo Abe ngay sau khi nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo cùng dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Hiệp ước hòa bình và hữu nghị giữa hai nước có hiệu lực. Ngày 26-10, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo hãng thông tấn Kyodo, phát biểu với báo giới tại Văn phòng Thủ tướng trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ông mong muốn có các cuộc đối thoại thẳng thắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong nhiều vấn đề.
Theo đó, ông sẽ trao đổi quan điểm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về các nỗ lực song phương nhằm thúc đẩy một hệ thống thương mại tự do và công bằng; đưa biển Hoa Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị.
Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến thông báo cho Thủ tướng Lý Khắc Cường về việc Nhật Bản sẽ ngừng các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Trung Quốc, vốn đã được thực hiện trong suốt 40 năm qua. Thay vào đó là đề xuất thiết lập cơ chế đối thoại mới giữa hai nước nhằm thảo luận việc hợp tác, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.
Theo các nguồn tin Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể đồng ý thúc đẩy liên kết các nền kinh tế khu vực. Hai thủ tướng dự kiến cũng sẽ thông qua việc gia hạn hoán đổi tiền tệ, trị giá khoảng 26,6 tỷ USD, nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Về lĩnh vực an ninh, Thủ tướng Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ nhất trí hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hai nước cũng sẽ ký kết thỏa thuận tạo điều kiện cho việc phối hợp tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp xảy ra tai nạn trên biển.
Xích lại gần nhau
Giới quan sát nhận định, chuyến thăm của ông Shinzo Abe có ý nghĩa đặc biệt, có thể coi là bước nối tiếp của chính sách xoa dịu căng thẳng ngoại giao mà 2 cường quốc châu Á này đang theo đuổi.
Những biến động trên thế giới gần đây, đặc biệt là tác động về kinh tế, thương mại và an ninh từ chính sách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang triển khai đối với cả Nhật Bản và Trung Quốc, phần nào khiến việc 2 nước xích lại gần nhau trở thành lựa chọn chiến lược.
Theo chuyên gia Scott Seaman, làm việc tại Nhóm Âu-Á, nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này là bởi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều cần phải điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, những chuyển động địa chính trị và an ninh khu vực thời gian qua, như việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, khiến không gian hợp tác Trung-Nhật được mở rộng, lợi ích chung cũng không ngừng gia tăng.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh coi chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe là một cơ hội để kêu gọi Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc, qua đó có thể ngăn ngừa Tokyo chung sức với Washington cô lập Bắc Kinh cũng như giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong khi đó, Tokyo thừa nhận việc duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc như một sự đảm bảo để Nhật Bản có thể phát triển kinh tế và tăng trưởng thương mại bền vững. Điểm sáng của chuyến công du lần này sẽ là hàng chục thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các công ty Trung Quốc và Nhật Bản. Có lẽ, quan hệ Trung-Nhật đang trở lại quỹ đạo hợp tác cùng có lợi.