Giải pháp này nhằm huy động các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư vào lĩnh vực y tế, qua đó nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Những tín hiệu ban đầu
Mới đây, theo hình thức hợp tác công - tư, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), Bệnh viện (BV) Quận 2 và Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo đã ký kết hợp tác xây dựng Khu Khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao, đặt trong khuôn viên BV Quận 2, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, với 100 giường bệnh. Bên cạnh đó, một loạt các trang thiết bị hiện đại từ nguồn vốn xã hội hóa cũng được đầu tư để thực hiện các kỹ thuật cao: Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla giúp chẩn đoán sớm, chính xác các bệnh lý tim mạch, cột sống, u tạng trong ổ bụng; hệ thống DSA giúp chẩn đoán và can thiệp động mạch vành, điều trị thuyên tắc mạch máu não, thủ thuật TOCE để điều trị ung thư gan...
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, mặc dù là công trình đầu tư theo phương thức xã hội hóa nhưng lợi ích của người bệnh luôn được đảm bảo. Giá khám bệnh tại đây thấp hơn từ 30% - 35% so với khám bệnh dịch vụ tại các BV lớn của TP, cụ thể là 120.000 đồng/lượt, trong khi các BV khác có thể lên đến 200.000 đồng/lượt.
Trước đó, nửa cuối tháng 5-2017, Phòng khám DHA do Công ty cổ phần Y tế Việt Anh làm chủ đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động tại Trạm Y tế phường 11, quận 3. Từ một trạm y tế cũ kỹ chỉ thực hiện các chức năng phòng chống dịch, tiêm chủng, nhờ sự đầu tư này, diện mạo Trạm Y tế phường 11 hoàn toàn thay đổi với cơ sở hạ tầng mới, trang thiết bị đầy đủ. Việc được hưởng đầy đủ quyền lợi về bảo hiểm y tế (BHYT) đã thu hút người dân trên địa phương đến trạm khám chữa bệnh, thay vì phải lên các BV tuyến trên vốn đang quá tải.
Ngoài ra, cũng theo mô hình hợp tác công - tư, sắp tới đây BV Quốc tế Hoa Lâm với các chuyên khoa Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh và Nội tiết sẽ đi vào hoạt động. Không chỉ có trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng chuyên môn của BV còn được “bảo chứng” bởi đội ngũ y bác sĩ giỏi của BV Nhân dân 115.
Xu thế tất yếu
Là một trong những đơn vị được phân công phụ trách gọi vốn xây dựng theo hình thức hợp tác công - tư, thời gian qua, HFIC đã kêu gọi các nhà đầu tư trang bị những phương tiện kỹ thuật cao cho các BV Từ Dũ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương… Ngoài ra, đơn vị này cũng kêu gọi đầu tư vốn, hợp tác toàn diện tại BV Quận 2, BV Nhi đồng 1, các trạm y tế phường. Từ thực tế, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc HFIC, đánh giá trong lĩnh vực y tế, PPP là hình thức xã hội hóa cao, huy động vốn ngoài ngân sách và được quản trị bởi các nhà đầu tư - vừa đảm bảo tính dân chủ, vừa mang lại hiệu quả cao. Đội ngũ y bác sĩ của BV vẫn phụ trách về chuyên môn và được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn với trang thiết bị hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. “Nhà nước không thể gánh mọi chi phí đầu tư, trong khi đòi hỏi của xã hội, nhu cầu của người dân ngày càng cao, do đó phương thức xã hội hóa là xu thế tất yếu”, ông Thanh nhấn mạnh.
“Với mô hình này, chúng tôi hy vọng sẽ giảm tải được một phần cho BV Nhân dân 115. Điều quan trọng hơn, tại đây người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao, nhưng mức giá gần như tương đương với mức khám chữa bệnh tại BV Nhân dân 115”, ông Trương Vĩnh Long, Giám đốc điều hành y khoa Tập đoàn Hoa Lâm, chia sẻ.
Theo Giám đốc BV Quận 2 Trần Văn Khanh, mặc dù có thương hiệu cũng như nhân lực y tế hùng hậu nhưng các BV công không được xây mới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, do ngân sách ngày càng hạn hẹp. Chính vì vậy, những năm gần đây, Nhà nước cho phép các cơ sở y tế đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư. “Đây là xu hướng mở, BV công có cơ hội phối hợp với các nhà đầu tư để tận dụng những tiềm năng về nhân lực, về chuyên môn, và nếu có thêm trang thiết bị hiện đại thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người dân”, bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều nhà đầu tư “mặn mà” với lĩnh vực y tế. Một trong những nguyên nhân, theo ông Đặng Ngọc Thanh, là do đây là lĩnh vực đặc thù cần đầu tư lâu dài, thời gian thu hồi vốn chậm vì giá khám chữa bệnh mang tính chất phục vụ người dân. Ông Đặng Ngọc Thanh kiến nghị, để thu hút các nhà đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước cần có sự điều chỉnh linh động trong việc quy định giá dịch vụ, theo kiểu “thuận mua vừa bán”, vừa giúp nhà đầu tư có lãi, vừa đảm bảo người dân không phải mua dịch vụ với giá quá cao.