Hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa: Lợi ích còn chờ chính sách

Để phát huy vai trò văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế - chính trị - xã hội theo hướng phát triển bền vững, việc khai thông áp dụng mô hình hợp tác công - tư trở thành một xu hướng tất yếu, khi nguồn lực từ nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, thực tế triển khai các hoạt động hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua gặp nhiều rào cản về khuôn khổ pháp lý, cơ chế tài chính…

Bắt đầu từ đâu?

Hợp tác theo phương thức đối tác công - tư (PPP) hiểu theo nghĩa rộng là hình thức thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia vào phát triển lĩnh vực, ngành phù hợp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương. Trong phương thức hợp tác này, hai bên công - tư bình đẳng tham gia đóng góp tài nguyên, tư liệu sản xuất và cùng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro để hướng đến phục vụ lợi ích cho cộng đồng.

Trên thế giới, PPP đã trở thành xu hướng phổ biến và ngày càng mở rộng với nhiều hình thức, loại hình khác nhau như: BOT, BOLT, BOO, BOOST, BFI, BTL, ROT... Các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những điển hình trong khu vực về khai thác có hiệu quả hợp tác công - tư để phát triển công nghiệp văn hóa.

T6a.jpg
Liên hoan Âm nhạc quốc tế TPHCM - HOZO (Hò Dô) lần 4 năm 2024 góp phần quảng bá thương hiệu và định hình một nền công nghiệp văn hóa tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa”, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) phối hợp tổ chức, PGS-TS Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam) phân tích: “Mấu chốt cho sự thành công của mô hình PPP là việc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, hướng dẫn triển khai Luật PPP trong lĩnh vực văn hóa. Đầu tiên, nhà nước phải xác định được các lĩnh vực văn hóa trọng điểm ở tầm quốc gia, vùng và địa phương cần sự hợp tác của các doanh nghiệp tư nhân. Trước mắt, do tính chất quan trọng, tầm nhìn và hiệu quả dài hạn của đầu tư văn hóa, nhà nước cần khuyến khích hay đề xuất đầu tư với các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, vùng, địa phương nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện theo chiến lược phát triển của tập đoàn, các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Đồng thời cũng đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đầu tư trong ngắn hạn, dài hạn”.

Băn khoăn hình thức hợp đồng

Đầu tư theo phương thức PPP trong văn hóa hiện mới được áp dụng và thí điểm áp dụng tại 4/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên thực tế, sau khi được Quốc hội đồng ý cho thí điểm chính sách, đến nay mới chỉ có TPHCM ban hành danh mục kêu gọi đầu tư cho 6 dự án văn hóa.

Mặc dù phương thức đầu tư PPP đã xuất hiện từ lâu nhưng đa số chỉ áp dụng cho lĩnh vực giao thông, phần nhiều thực hiện theo phương thức hợp đồng BOT. Vì vậy, khi áp dụng cho các lĩnh vực mới như văn hóa, các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu, chi phí, công suất hoạt động, khả năng trả nợ vay... nhằm đánh giá tính khả thi đối với hiệu quả tài chính.

Điều này, có thể thấy tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao TPHCM vào tháng 10-2024, một số nhà đầu tư thể hiện mối quan tâm đến việc áp dụng hợp đồng O&M (là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định) trong các dự án PPP văn hóa.

Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), chia sẻ: “Dự án đầu tư theo phương thức PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Do đó, cần làm rõ khái niệm về “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” trong các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt khi áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), đây là loại hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công trong thời hạn nhất định nhằm thu hồi vốn. Khi hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình lại cho nhà nước. Do đó, việc làm rõ khái niệm “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” là rất quan trọng để nhà đầu tư thuận lợi khi tham gia nghiên cứu đầu tư”.

Sự phát triển của văn hóa đặt trong bối cảnh cụ thể là công nghiệp văn hóa đều là nền tảng, động lực của mỗi quốc gia. Hợp tác PPP trong văn hóa có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng điểm cốt lõi của các hợp tác PPP trong lĩnh vực văn hóa không chỉ là việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước, mà còn là việc trao quyền cho khu vực tư nhân và công chúng trong việc thực hiện, lựa chọn các hoạt động văn hóa.

Tin cùng chuyên mục