Khó trăm bề đấu thầu
Từ Luật Điện ảnh năm 2006 cho đến luật sửa đổi, bổ sung năm 2009, đấu thầu trong sản xuất phim đều được quy định trong các điều khoản. Trong đó đều nhấn mạnh phải thành lập hội đồng thẩm định kịch bản và thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu cũng như các văn bản luật liên quan.
Trước khi được Quốc hội thông qua vào ngày 15-6-2022, phương thức đấu thầu từng nhận được nhiều ý kiến phản biện có nên giữ trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) hay không. Cuối cùng, tại khoản 1 Điều 14 quy định, việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước vẫn được thực hiện bằng các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, khoản 3 Điều 7 cũng nêu: “Thực hiện phương thức đấu thầu đối với các dự án sản xuất phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam”.
Điều này cũng được quy định trong Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.
Tại hội nghị triển khai Luật Điện ảnh và đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, mới đây, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, nêu quan điểm: “Phương thức đấu thầu nói nhiều nhưng chưa thực hiện được, bởi đấu thầu trong văn học nghệ thuật khác với lĩnh vực kinh tế, xây dựng. Nó còn phụ thuộc kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế...”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phim Giải phóng, cũng cho rằng, không thể có chuyện đem kịch bản đã được cục duyệt sau đó cho các bên đấu thầu kịch bản đó.
Ở phương diện nhà sản xuất, bà Trần Thị Bích Ngọc đến từ Ân Nam Films, cho rằng, có 2 vướng mắc khiến việc đấu thầu chưa có lần nào thực hiện được. Đó là liên quan đến quyền sở hữu trên tác phẩm và năng lực của công ty sản xuất tác phẩm đó. Thực tế nhân sự của mỗi công ty tham gia đấu thầu không giống nhau nên để thực hiện vô cùng khó khăn.
Làm rõ những ý kiến về việc này, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL khẳng định, hiện nay đang áp dụng đấu thầu dự án chứ không phải đấu thầu kịch bản. “Dự án này bao gồm kịch bản, nhà sản xuất, đạo diễn… nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước cùng tham gia”, ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh. Quy định như trên rõ ràng đã có sự cởi mở, nhưng thực tế vẫn còn nhiều quan ngại, bởi quy trình thẩm định và phê duyệt ngân sách kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm…
Thay đổi từng bước
Trên thực tế, khi hình thức đấu thầu vẫn chưa thể áp dụng trong thực tiễn, việc sử dụng phim bằng ngân sách nhà nước đã có những hướng ra. Ngoài giao nhiệm vụ sản xuất, đặt hàng, hình thức hợp tác công - tư vài năm trở lại đây đã cho ra đời một số bộ phim, như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Truyền thuyết về Quán Tiên, Thạch Thảo hay gần nhất là Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác…
Bà Trần Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là vô cùng hữu ích vì những đề tài được tài trợ như dòng phim lịch sử, cách mạng, về các anh hùng dân tộc... các đơn vị tư nhân khó chạm tay vào. Ông Tiến Hưng cũng cho rằng, việc hợp tác công - tư, dùng ngân sách nhà nước đã tạo ra những hiệu quả đáng kể, góp phần tạo nên những tác phẩm giải trí, đặc biệt phục vụ cho thiếu nhi.
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Cục Điện ảnh đã gửi thư đến các cơ sở điện ảnh mời gửi kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2025 ở các thể loại: phim truyện, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình...
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh, điều này nhằm “phá bỏ” tư duy cục bộ, tạo sự bình đẳng cho mọi đơn vị sản xuất. Đây được xem là động thái tích cực bởi ngay trong hội nghị triển khai Luật Điện ảnh vừa qua tại TPHCM, nhiều đơn vị đã nêu ý kiến về việc nên công khai và công bố rộng rãi các thông tin này. Việc nhà nước có thể góp vốn 100% hay 10%, 20%, 30%... tùy theo tính chất từng bộ phim cũng như năng lực của đơn vị sản xuất.
Trước đó, vào năm 2020 và 2021, Cục Điện ảnh cũng tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh, phim tài liệu và hoạt hình. Riêng với các kịch bản phim điện ảnh, cục cho biết sẽ lựa chọn các kịch bản có nội dung phù hợp với tiêu chí đặt hàng từ ngân sách nhà nước để sản xuất phim những năm tới.
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, để hợp tác thuận lợi, việc thực hiện như thế nào, các bên tham gia phải làm gì cần được làm rõ bằng các văn bản cụ thể. Trong hồ sơ dự án đệ trình cần có cả hồ sơ của đạo diễn cũng như đơn vị sản xuất phim làm bảo chứng. Về phía hội đồng lựa chọn cũng nên có các chuyên gia trong lĩnh vực phát hành, quảng bá.
Bà Trần Thị Bích Ngọc đặc biệt quan tâm đến những quy định về quyền sở hữu: “Khi doanh nghiệp trình kịch bản, nhà nước sẽ đầu tư một phần nhất định. Doanh nghiệp được giao sản xuất cần đi tìm nguồn vốn còn lại, bao gồm vốn từ trong nước và ngoài nước. Do đó, nhà sản xuất cần được xác định sớm về quyền sở hữu, quyền liên quan trong hợp tác công - tư này”.
“Nhiều bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước sau đó chiếu, có rất ít khán giả đến xem. Việc cất phim vừa phí công nhà làm phim vừa phí cả tiền làm phim. Do đó, cần đặt ra vấn đề quảng cáo để góp phần thu hồi vốn”, bà Dương Cẩm Thúy nêu quan điểm. |