Để phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững, việc khai thông áp dụng mô hình hợp tác công tư trở thành một xu hướng tất yếu, đặc biệt khi nguồn lực từ nhà nước còn hạn chế và cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, thực tế triển khai các hoạt động hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua vẫn gặp nhiều rào cản về khuôn khổ pháp lý, cơ chế tài chính, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ban ngành liên quan.
Tại hội thảo, các vấn đề liên quan đến PPP trong lĩnh vực văn hóa được các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành sáng tạo quan tâm thảo luận.
Trên thế giới, hợp tác công - tư đã trở thành xu hướng phổ biến và ngày càng mở rộng với nhiều hình thức, loại hình khác nhau như: BOT, BOLT, BOO, BOOST, BFI, BTL, ROT, TOT, BDFO, BDFOMT, BDFOT, BDOOT, HA (Hybrid Anuity), Lease, O&M, MC, OMST, OMDA... Việc triển khai thực hiện các hình thức PPP rất linh hoạt và đặt trong mối quan hệ giữa nhà nước và tư nhân cùng thực hiện các dự án trên cơ sở hợp đồng phân chia rõ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đã khai thác hiệu quả PPP để phát triển cả cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực phát triển các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo.
PGS-TS Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học RMIT Việt Nam) phân tích: “Mấu chốt cho sự thành công của mô hình hợp tác PPP là việc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, hướng dẫn triển khai Luật PPP trong lĩnh vực văn hóa. Nhà nước phải xác định được các lĩnh vực văn hoá trọng điểm ở tầm vóc quốc gia, vùng và địa phương cần sự hợp tác của các đơn vị tư nhân. Do tính chất quan trọng, tầm nhìn và hiệu quả dài hạn của đầu tư văn hóa, Nhà nước cần khuyến khích hay đề xuất đầu tư với các doanh nghiệp hàng đầu nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời cũng đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đầu tư”.
Mặc dù phương thức PPP đã xuất hiện từ lâu nhưng đa số chỉ áp dụng cho lĩnh vực giao thông với việc thực hiện theo loại hợp đồng BOT. Vì vậy, khi áp dụng cho các lĩnh vực mới như văn hóa, các nhà đầu tư sẽ khá khó khăn trong việc xác định doanh thu, chi phí, công suất hoạt động, khả năng trả nợ vay... nhằm đánh giá tính khả thi đối với hiệu quả tài chính.
Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, chia sẻ: “Dự án đầu tư theo phương thức PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Do đó, cần làm rõ khái niệm về “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” trong các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Nhất là khi áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), loại hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công trong thời hạn nhất định nhằm thu hồi vốn đến hết thời hạn sẽ chuyển giao công trình lại cho Nhà nước. Do đó, việc làm rõ khái niệm “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” là rất quan trọng để nhà đầu tư thuận lợi khi tham gia đầu tư”.