Tham dự buổi họp mặt có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Về lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; cùng các vị Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Cùng dự có đại diện gia đình các vị từng tham gia trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, ôn lại quá trình thành lập, hoạt động gian khổ nhưng rất vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.
Đồng chí Tô Thị Bích Châu khẳng định, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử, là kết quả của sự sáng tạo trong chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng miền Nam.
Dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phong trào đấu tranh của các giới đồng bào miền Nam từ công nhân, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên, nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo... ngày càng diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi và có những đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960) đến ngày đại thắng mùa Xuân (30-4-1975) là chặng đường 15 năm. So với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, đây chỉ là một chặng đường rất ngắn, song quân và dân ta đã làm nên kỳ tích “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong kỳ tích đó, có vai trò hết sức to lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Thấm thía về bài học lớn nhất từ sự kiện lịch sử này là bài học phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Tô Thị Bích Châu khẳng định, TPHCM luôn phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Theo đó, trong những năm qua nhất là sau thời kỳ đổi mới, nhân dân TPHCM dưới ngọn cờ đoàn kết, tập hợp của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã hình thành nên những phong trào rộng lớn của quần chúng, không chỉ lan tỏa sâu rộng trên địa bàn TPHCM mà còn trở thành những phong trào chung của nhân dân cả nước.
Tiêu biểu có thể kể đến là phong trào “xóa đói giảm nghèo”, cuộc vận động xây nhà tình nghĩa, các hoạt động an sinh xã hội, đến nay đã trở thành một phong trào rộng lớn đó là các hoạt động “Vì người nghèo”.
Cũng từ TPHCM, khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ tập hợp của MTTQ Việt Nam TPHCM luôn hướng về biên giới, biển đảo với công tác tuyên truyền và vận động quỹ “Vì Biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
Theo đồng chí Tô Thị Bích Châu, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tiếp tục cùng Đảng bộ, Chính quyền TPHCM thực hiện mục tiêu “xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Cụ thể chú trọng công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, người lao động tự do.
Cùng đó là phát huy vai trò sự năng động, sáng tạo trong việc xây dựng và phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh để giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, ý chí và nhân cách của công dân TPHCM.
Đặc biệt, tăng cường các hoạt động phản biện các đề án, chương trình thực hiện 4 chương trình phát triển TPHCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát Đảng và chính quyền TP giai đoạn 2020-2025.
Tặng hiện vật của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cho bảo tàng Tại buổi họp mặt, Ban tổ chức phát động hiến tặng hiện vật liên quan đến lịch sử Mặt trận để lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hưởng ứng phát động, 4 gia đình đã gửi tặng hiện vật được gia đình đang lưu giữ là một phần kỷ niệm, là ký ức của một thời hoạt động cách mạng sôi nổi, thời vào sinh ra tử để giành lấy độc lập hòa bình, thống nhất đất nước của những chứng nhân lịch sử. Các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu và các gia đình hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại buổi họp mặt, sáng 20-12-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG Cụ thể, gia đình cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tặng hiện vật “Cặp đựng hồ sơ mỗi chuyến công tác của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”. Chiếc cặp này được cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sử dụng từ năm 1989, gắn liền với những tài liệu quan trọng của quốc gia, dân tộc. Thời điểm năm 1989, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đợt này, gia đình cụ Phan Nhẫn, thành viên phái đoàn đàm phán Hiệp định Paris; Phó Văn phòng Mặt trận - Dân vận từ giai đoạn 1976-1982, hiến tặng hơn 100 hiện vật. Những kỷ vật này giúp nhớ lại khoảnh khắc lịch sử đó là sau gần 5 năm đàm phán kiên trì, chúng ta đã buộc Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện ném bom và bắn phá miền Bắc, buộc Mỹ ký kết Hiệp định Paris, Mỹ phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và có ý nghĩa chiến lược để tiến lên giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Hiện vật thứ 3 là một chiếc rựa do ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên cán bộ cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hiến tặng. Năm 1965, ông Nguyễn Minh Hồng đã mua một cái nhíp xe ô tô và rèn thành chiếc rựa. Chiếc rựa này phục vụ công tác hậu cần trong chiến khu cho các đồng chí lãnh đạo là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ năm 1965 đến ngày giải phóng. Ông Nguyễn Minh Hồng đã gìn giữ nó trong suốt 55 năm qua. Cụm hiện vật cuối cùng là 4 bài báo do gia đình cố Giáo sư Lý Chánh Trung hiến tặng. Đây là những bài báo ghi lại cuộc đấu tranh của phong trào “Ký giả đi ăn mày” do giới báo chí Sài Gòn thực hiện để xuống đường cùng đồng bào sôi sục đấu tranh chống Thiệu độc tài và tham nhũng; ghi lại cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam trên chiến trường đầy khốc liệt. |