Sáng 6-1, tại Hội trường Thống Nhất, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Dự họp mặt có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Võ Văn Cương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi các đại biểu dự họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cùng dự có các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí nguyên là Thành ủy viên, nguyên là Phân Khu ủy viên có tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; các đồng chí thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam…
Tri ân chiến sĩ, đồng bào
Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thay mặt lãnh đạo TPHCM ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Theo đồng chí, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới; là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, ý chí và quyết tâm chống Mỹ cứu nước, tinh thần một quốc gia thống nhất của nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mãi mãi tri ân, mãi mãi biết ơn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.
Cũng theo đồng chí, TPHCM hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng những gì mà thế hệ cha anh đã giành được. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn “vì cả nước, cùng cả nước”, tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách.
Cùng với đó, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đến nay.
“Với ý nghĩa lịch sử quan trọng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và những thành quả to lớn trong thời gian qua, chúng ta nguyện tiếp tục ra sức bảo vệ thành quả cách mạng của cha anh. Đồng thời, nỗ lực xây dựng, phát triển và giữ vững thành phố thân yêu của chúng ta là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; thành phố nhiều lần anh hùng, được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là điểm đến của sự năng động, sáng tạo, đổi mới, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu xem triển lãm tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nhiệm vụ sinh tử
Điểm nhấn về cảm xúc trong buổi gặp mặt truyền thống là phần chia sẻ của ông Bảy Hôn (Phan Văn Hôn), chiến đấu viên Đội 5 Biệt động Sài Gòn, người từng tham gia trận chiến tấn công vào Dinh Độc Lập tết Mậu Thân.
“Cách nơi tôi đứng chỉ mấy bước chân, 8 trong số 15 người chúng tôi đã nằm lại. Các anh mãi mãi không được chứng kiến đất nước thống nhất, hòa bình, đó là niềm day dứt lớn nhất trong đời tôi. 55 năm qua, chưa bao giờ tôi quên các anh, nhất là những ngày giao thừa, xuân về tết đến”, ông Bảy Hôn nghẹn lời.
Ông nhớ lại ngày 29 Tết năm đó. 15 người của Đội 5 được giao liên dẫn đường từ căn cứ ở Trảng Bàng về tập trung ở nhà số 287/70 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), là nhà của ông Trần Văn Lai. Trước khi bước vào trận đánh, Cụm trưởng Nguyễn Văn Tăng gặp anh em, giao nhiệm vụ cho Đội 5 đánh vào Dinh Độc lập – cơ quan đầu não của kẻ thù, một trong năm mục tiêu quan trọng mà Biệt động Sài Gòn có nhiệm vụ tấn công.
Khi đó, ông Tư Tăng đã rất nhấn mạnh: Đây là địa điểm quan trọng bậc nhất của địch, có lực lượng mạnh bảo vệ, đông gấp nghìn lần so với đơn vị các đồng chí. Do đó trận đánh sẽ vô cùng ác liệt, không chỉ đòi hỏi lòng quyết tâm, dũng cảm, dám đánh và quyết thắng, mà khi cần chúng ta sẵn sàng hy sinh để trận đánh thắng lợi.
Ông Tư Tăng hỏi: “Ai sẵn sàng thì xung phong. Ai chưa sẵn sàng, còn băn khoăn điều gì cứ gặp tôi hoặc đồng chí Thanh (Tô Hoài Thanh- người chỉ huy Đội 5). Đảng và tổ chức cần sự tự nguyện, ai chưa sẵn sàng sẽ được đưa ra ngay trước giờ nổ súng”.
Trước câu hỏi của người chỉ huy, ông Bảy Hôn kể: 15 cánh tay đồng loạt giơ lên, không một chút do dự, không một chút chần chừ.
Và các chiến sĩ đội 5 đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rút lên cao, dùng gạch đá đẩy lùi những đợt tấn công của địch. Để rồi, 8 người hy sinh, 7 người còn lại rơi vào tay giặc.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các lãnh đạo, đại biểu dự họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cùng dự buổi họp mặt còn có bà Chín Nghĩa (Vũ Minh Nghĩa), chiến đấu viên nữ duy nhất trong Đội 5 tiến công vào Dinh Độc Lập và người vợ của Anh hùng Trần Văn Lai – tức Năm Lai, người đã đào hầm chứa vũ khí bí mật chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công.
Ông Bảy Hôn thay mặt những người đồng đội, chia sẻ: “Nói không sợ chết là không thật. Ai cũng muốn sống, sống lâu, được sung sướng, hưởng thụ. Sau lưng lại còn có gia đình, cha mẹ, vợ con, người thương… Chúng tôi cũng là những người dân bình thường, muốn yên ổn để làm ăn sinh sống. Nhưng hàng ngày phải chứng kiến bọn địch càn quét, bắt bớ, tra tấn, đánh đập bà con thân tộc, chứng kiến bom đạn kẻ thù tàn phá quê hương thì căm thù mà quyết tâm vùng lên chiến đấu. Vì thế nên mới xung phong tòng quân theo các chú, các anh vào bộ đội. Chứ nông dân như chúng tôi nào có hiểu biết bao nhiêu về cách mạng. Vào đơn vị được các chú, các anh chỉ bảo mà hiểu thêm nhiều điều.
Cho đến bây giờ, khi nghĩ lại giờ phút ấy, ông Bảy Hôn và những đồng chí còn may mắn còn sống vẫn tâm sự với nhau: Chúng tôi không có một chút hối tiếc về quyết định của mình khi đưa tay cao thể hiện quyết tâm nhận nhiệm vụ sinh tử ngày ấy. Nếu lịch sử có lặp lại, chúng tôi vẫn quyết định như thế!
Thay mặt tuổi trẻ TPHCM, đồng chí Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM bày tỏ niềm tự hào, lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Đồng chí khẳng định, lý tưởng cao đẹp của những các thế hệ cán bộ Đoàn, của những anh hùng chiến sĩ Sài Gòn - Gia Định mãi mãi được tiếp nối.
“Tuổi trẻ thành phố nguyện phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, nối kết truyền thống với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, thành phố hôm nay, biến những vấn đề của đất nước, của nhân dân thành suy nghĩ thường trực trong mỗi công dân trẻ, trong mỗi hành động thiết thực hàng ngày, kế tục xứng đáng sự nghiệp mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối cách mạng đã đánh đổi bằng chính xương máu của mình để dựng nên.