Ngày 3-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức họp mặt, sinh hoạt truyền thống nhân dịp Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tham dự có đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TPHCM các thời kỳ; lãnh đạo các sở ngành TP, đại diện gia đình là cơ sở Ban Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định các thời kỳ, các đồng chí là thành viên CLB Truyền thống kháng chiến các thời kỳ.
Tại buổi họp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư ôn lại truyền thống các thế hệ làm công tác tuyên huấn trong những năm kháng chiến chống Mỹ tại Sài Gòn - Gia Định, đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc. Kế thừa, phát huy truyền thống đấu tranh quả cảm, anh hùng của lực lượng tuyên huấn các thời kỳ, năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi sục sôi khí thế cách mạng, trước yêu cầu cấp thiết của cách mạng, Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chính thức hoạt động, phụ trách mặt trận chính trị, tư tưởng. Với 24 đơn vị trực thuộc và gần 300 cán bộ, chiến sĩ hoạt động hết sức phong phú và sôi nổi ở khắp các chiến trường, cả đô thị, bưng biền và các chiến khu, với nhiều bộ phận cả công khai lẫn bí mật. Ra đời chưa bao lâu, Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức được trường huấn luyện, có nhà in, đoàn văn công, điện đài, báo chí, quay phim, nhiếp ảnh để phục vụ công tác tuyên truyền ở khắp các mặt trận.
Trong những thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giữa đô thị Sài Gòn - Gia Định, hoạt động của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định không ngừng được củng cố, lớn mạnh, hoạt động với nhiều phương thức tuyên truyền, góp phần chia lửa với các lực lượng vũ trang đấu tranh với kẻ địch. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được trao cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định hôm nay, chính là công lao của hàng trăm liệt sĩ ngành tuyên huấn đã hy sinh, của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngành tuyên huấn. Những người làm công tác tư tưởng hôm nay cần học tập bản lĩnh, trí tuệ, khí phách của người làm công tác tuyên huấn năm xưa, từ đó làm tốt nhiệm vụ tư tưởng để đáp ứng yêu cầu công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Ngành tuyên giáo TPHCM hôm nay nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc góp sức làm cho mạch nguồn yêu nước, tình cảm cách mạng không ngừng tuôn chảy, không bao giờ ngưng nghỉ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống; đặc biệt đối với thế hệ trẻ, để lan tuyền, tiếp nối các giá trị tốt đẹp, để bồi đắp, nâng cao hơn nữa giá trị lòng yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu bày tỏ tình cảm và sự biết ơn trân trọng đến các thân nhân anh hùng liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ ngành tuyên huấn, các gia đình có công với nước qua các thời kỳ.
Theo đồng chí Võ Thị Dung, trong cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, công tác tuyên huấn có vai trò rất quan trọng, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Kể từ khi ra đời cho đến ngày giải phóng, các cán bộ, chiến sĩ tuyên huấn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã không ngại khó khăn gian khổ, cống hiến sức lực, trí tuệ, kể cả hy sinh để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, là phần thưởng vô cùng thiêng liêng, cao quý của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với các thế hệ làm công tác tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của ngành tuyên huấn, ngành tuyên giáo TP, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Đồng chí Võ Thị Dung chia sẻ: Với chức trách, vai trò đi trước mở đường, ngành Tuyên giáo TPHCM tiếp tục năng động, sáng tạo như truyền thống của nhân dân và Đảng bộ TP, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, bám sát thực tiễn, nhạy bén với những nhu cầu của cuộc sống để hoạch định nhiệm vụ chính xác, sử dụng phương pháp công tác phù hợp để đạt hiệu quả cao. Phải nâng cao tính chiến đấu, tầm trí tuệ, sức thuyết phục của công tác tư tưởng, gắn lý luận với thực tiễn, gắn trí tuệ với tình cảm trong công tác tư tưởng.
Dịp này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tặng giấy khen cho 15 bộ phận liên lạc của các tập thể liên lạc; 18 cá nhân và 39 gia đình cơ sở có nhiều đóng góp tích cực cho công tác truyền thống, chính sách Khối Tuyên huấn TP.