Sáng 11-11, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp Hội Cựu giáo chức TPHCM tổ chức họp mặt nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2024).
Những “nhà giáo cầm súng”
Dù đã bước sang tuổi 94, nhà giáo Trịnh Hồng Sơn vẫn minh mẫn kể về những năm tháng cùng đồng đội vượt Trường Sơn đi B (từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu và công tác - PV) vào cuối năm 1964. Chia sẻ về những năm tháng hành quân từ miền Bắc vào miền Nam, nhà giáo Trịnh Hồng Sơn cho biết: “Không thể quên được những khó khăn, gian khổ và hiểm nguy rình rập mọi lúc. Có những lần đang đi thì gặp trận càn của địch, bị ném bom dữ dội, rồi nhận tin các đồng chí ở đoàn khác hy sinh… Nhưng chúng tôi chỉ có chung một ý chí, đó là nhanh tới nơi, cùng đồng bào miền Nam chống Mỹ, cứu nước”.
Đó cũng là tâm sự của nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM. Vừa tốt nghiệp đại học, nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu đã viết đơn tình nguyện đi B. Bà tâm sự: “Mới tốt nghiệp, những nữ sinh lần đầu biết leo rừng, xuống dốc, nấu ăn không biết dập khói để tránh máy bay địch phát hiện… Còn dại khờ như thế, chúng tôi được bộ đội rèn luyện và đi với quyết tâm vì miền Nam ruột thịt. Lúc nào khó khăn thì luôn nhớ lấy lời Bác dạy, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh”.
Buổi họp mặt cũng là ngày gặp lại đầy xúc động của những nhà giáo nội đô - những nhà giáo chịu rất nhiều mất mát, hy sinh khi công tác và chiến đấu trong lòng địch. Nhà giáo Ngô Ngọc Dung nhớ lại: “Khi ta và địch sống xen cài nhau giữa lòng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, những nhà giáo luôn trăn trở phải giảng dạy cho học trò như thế nào, truyền tải tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ như thế nào đây?...”
Sống dưới sự kiểm soát gắt gao của địch, những nhà giáo nội đô gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên mất liên lạc và phải sinh hoạt đơn tuyến. Đồng thời, địch thường xuyên kiểm tra, chỉ cần một dấu hiệu mất bình tĩnh sẽ bị bắt và tra tấn. Bản thân bà cũng bị địch bắt và giam giữ trong tù 3 năm.
“Chiến đấu trong lòng thành phố có những gian khó hết sức đặc biệt khi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Tôi dạy học sinh hát “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng… Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”, cũng là tâm nguyện của những nhà giáo chúng tôi khi hoạt động nội thành”, nhà giáo Ngô Ngọc Dung chia sẻ.
Ôm chầm lấy người bạn hoạt động cùng thời, nhà giáo Nguyễn Thị Xuân Quang bày tỏ niềm vui và gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã tạo điều kiện tổ chức buổi họp mặt. "Hôm nay, gặp lại những người bạn cũ, chúng tôi có dịp cùng nhau ôn lại những năm tháng sáng lên bảng cầm phấn cầm thước, chiều đi đặt chất nổ, rải truyền đơn, diệt ác, phá kìm".
TPHCM luôn tri ân, ghi ơn sâu sắc các thế hệ nhà giáo
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, sau khi chiến tranh kết thúc, các thầy cô trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, không ngừng truyền đạt tri thức và kinh nghiệm quý báu cho thế hệ trẻ. Nhiều thầy cô đã trở thành cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị hoặc tiếp tục hoạt động trong ngành giáo dục và đào tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, những câu chuyện và hồi ức, kỷ vật của các thầy cô còn đến hôm nay thực sự là những bài học sống động về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sự hy sinh cao cả, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp.
Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM đã có nhiều hoạt động tri ân, ghi ơn những người đã hy sinh xương máu và để lại một phần thân thể nơi mảnh đất này, góp phần viết nên thiên anh hùng ca bất hủ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, trong đó có các thầy cô giáo đi B và thầy cô giáo hoạt động nội đô. Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo, để công sức và máu xương của thế hệ đi trước không bao giờ bị quên lãng.
Tại buổi họp mặt, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng đã thay mặt các thế hệ nhà giáo trưởng thành sau Ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975 và đại diện ngành giáo dục thành phố tri ân các thầy cô đã vượt Trường Sơn để đến với miền Nam và các nhà giáo nội đô yêu nước, hoạt động trong lòng địch.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam.
Nhà giáo nội đô là những thầy cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, một lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch, một bộ phận tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu. Phần lớn phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều có sự tham gia tích cực của các nhà giáo nội đô.