Các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM dự buổi lễ.
Đặc biệt, dự buổi lễ còn có ông Trương Thành Hỷ, 70 năm tuổi Đảng, 98 tuổi đời, nhân chứng lịch sử từng tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 82 năm trước.
Phát biểu ôn lại lịch sử ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên đã cùng các đại biểu ôn lại hào khí một thời, tiếng mõ Nam Lân, tinh thần quật khởi của quân dân ta với ý chí quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Cách đây 82 năm, đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đồng loạt ở nhiều địa phương, mạnh mẽ nhất ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch, tập kích nhiều đồn bốt. Nhiều nơi, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trong những cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập được chính quyền cách mạng.
Phát huy tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nỗ lực học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của quê hương. Từ đó, góp phần xây dựng quê hương Hóc Môn phát triển giàu mạnh, để huyện sớm trở thành quận hoặc thành phố phía Tây Bắc của TPHCM.
Buổi lễ diễn ra tại di tích lịch sử cấp Thành phố - nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940, tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn.
Tại đây, từ ngày 21 đến 23-9-1940, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị xứ ủy, quyết định tích cực chuẩn bị khởi nghĩa và trao cho Ban Thường vụ Xứ ủy quyền ra lệnh khởi nghĩa. Ngày 20-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra lệnh khởi nghĩa vào đêm 22-11 trong toàn xứ.
Sau buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo TPHCM, huyện Hóc Môn, các địa phương bạn đã cùng dự lễ giỗ các chiến sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.