Tham dự có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung. Các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; những người đã từng sống, chiến đấu, gắn bó với chiến trường Củ Chi và đông đảo con em Củ Chi công tác trên cả nước đã về tham dự.
Cách đây 50 năm, ngày 17-9-1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” cho quân và dân Củ Chi. Tự hào với những chiến công hiển hách, nhưng Củ Chi phải gánh chịu những mất mát, hy sinh rất đỗi lớn lao. Mỗi người dân Củ Chi phải “gánh” trung bình 1,5 tấn đạn bom; cả huyện bị cày xới bởi hơn 240.000 tấn bom đạn các loại. Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hơn 17.000 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và hơn 45.000 liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu, hy sinh trên quê hương Củ Chi “Đất thép thành đồng”.
Ông Trương Văn Thống, Bí thư Huyện ủy Củ Chi chi sẻ, vượt lên những mất mát, đau thương sau cuộc kháng chiến, trong hòa bình, Củ Chi một lòng đoàn kết, xây dựng quê hương đổi mới, ổn định. Củ Chi là huyện đầu tiên của TPHCM được Thủ tướng công nhận là huyện nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo hiện nay kéo giảm còn 2,14% tổng hộ dân trong huyện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân có chuyển biến tích cực. “Càng tự hào, trân trọng truyền thống và công lao đã đem dòng máu đỏ giữ quê hương của các bậc tiền nhân, càng nhắc nhở mỗi chúng ta luôn tự dặn lòng mình phải sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn đó” – Bí thư Huyện ủy Củ Chi chia sẻ trong xúc động.
Ông Trương Văn Thống khẳng định, Củ Chi kiên quyết trong đổi mới, kiên trì các giải pháp đột phá để phát triển huyện thật sự là huyện nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.