Hợp lực đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số

Ngày 25-5, Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam- châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) 2022 với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số” khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện này do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin Truyền thông và các đơn vị chức năng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số mà Chính phủ đã đặt ra, Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu mà còn bị phân mảnh. Hợp lực giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ tạo ra những chương trình bài bản, có định hướng và hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức.

Chủ tịch VINASA cũng khẳng định, các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cam kết và luôn sẵn sàng hợp lực cùng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số.

Hợp lực đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số ảnh 1 Theo ông Nguyễn Văn Khoa, nền kinh tế số của Việt Nam cần sự hợp lực chặt chẽ hơn để phát triển mạnh mẽ

Cũng theo ông Khoa, thời gian qua, sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong tiến trình chuyển đổi số đang cho thấy những tín hiệu tích cực nhưng cần có quy hoạch và kết hợp bài bản hơn nữa. Hơn nữa, trong suốt thời gian dịch Covid-19 vừa qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế số của Việt Nam luôn nằm trong top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển.

Báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015 và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực dự báo khoảng 20%.

Chủ tịch VINASA nhấn mạnh: Mục tiêu của Chính phủ là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, trong đó tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực phải đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, con số tương ứng là 30% GDP và tỷ trọng trong từng lĩnh vực là 20%. “Đây là mục tiêu thách thức, nhất là với những ngành truyền thống và cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả chúng ta.

Trong 2 ngày diễn ra diễn đàn sẽ có hơn 20 phiên hội thảo, dự kiến thu hút trên 3.000 đại biểu khách mời tham dự trực tiếp và trên 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến. Đặc biệt, diễn đàn sẽ có những hội thảo chuyên sâu giới thiệu kinh nghiệm, giải pháp chuyển đổi số từ các tổ chức, doanh nghiệp của các nền kinh tế đã có những thành tựu chuyển đổi số nhất định như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc.

 

Tin cùng chuyên mục