Xử lý mạnh tay doanh nghiệp đóng tàu gian dối
Ngày 14-7, tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, nhiều vấn đề nổi cộm được các cử tri đưa ra để chất vấn. Cử tri huyện Hoài Nhơn, đã kiến nghị về việc các tàu vỏ thép hư máy, xuống cấp trầm trọng mặc dù mới được bàn giao cho ngư dân chưa đủ 12 tháng, nhất là các tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu sản xuất.
Cơ bản đến hôm nay, các ngư dân có tàu hư hỏng cùng 2 cơ sở đóng tàu đã thống nhất phương án sửa chữa, khắc phục tàu. Địa điểm khắc phục được thống nhất, tại cảng Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Sở NN&PTNT đã báo cáo phương án khắc phục lên Bộ NN&PTNT, đề nghị bộ này cử 5 kiểm định viên vào thực hiện giám sát công tác khắc phục của các DN sai phạm; Thời gian khắc phục từ ngày 15-8 đến ngày 30-8. Ngoài ra Sở NN&PTNT đã yêu cầu các ngư dân phải kê khai thiệt hại, kinh phí biển do tàu nằm bờ, nợ ngân hàng để yêu cầu các DN phải đền bù cho ngư dân.
Về sự cố tàu vỏ thép NĐ 67 hư hỏng, ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhấn mạnh: “Phải nói tỉnh Bình Định có số tàu 67 đóng mới hư hỏng nhiều nhất, có 18/47 tàu đang nằm bờ. Hư hỏng do công ty đóng tàu không thực hiện đúng hợp đồng, máy không chính hãng, thép không đúng nên 1 số tàu ra khơi vài chuyến về không đi được rất khó khăn cho ngư dân. 1 con tàu 18 tỷ, bà con vay để đóng chứ không phải nhà nước cho không. Đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp cơ quan chức năng, yêu cầu các cơ sở đóng tàu sửa chữa kịp thời, đúng pháp luật quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng ngư dân. Công ty không hợp tác thì có biện pháp, phối hợp luật gia, chính quyền, ngư dân khởi kiện ra tòa. Con tàu đi 20 năm mới có lãi mà chỉ đi vài chuyến biển đã hỏng thì sao chịu được…”
Ngoài vấn đề tàu cá vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 bị hư hỏng có rất nhiều vấn đề khác được cử tri quan tâm mổ xẻ, như tình trạng khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân; về việc thu thuế các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nợ đọng thuế; cử tri lo lắng về việc khắc phục hậu quả nặng nề từ đợt lũ năm 2016 về công tác khắc phục rất chậm, trong khi mùa mưa, lũ lại sắp tới…
Bức xúc việc khai thác đá tại khu di tích Núi Bà
Lần lượt lãnh đạo các Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Tổng Cục thuế trả lời những kiến nghị của cử tri. Vấn đề khai thác khoáng sản được cử tri quan tâm nhiều nhất, tình hình khai thác đất, đá, cát tràn lan, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tác động môi trường… Đặc biệt, cử tri bức xúc nhất là vấn đề khai thác đá ồ ạt tại Núi Bà (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), gây ảnh hưởng đến người dân và nguy hại đến môi trường, cảnh quan di tích lịch sử - văn hóa thuộc quần thể di tích Núi Bà.
Được biết, khu vực Núi Bà (bao gồm các xã Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Trinh, Cát Hưng (huyện Phù Cát), hiện đang có 13 DN được UBND tỉnh Bình Định cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác đá trên tổng diện tích 70ha, được cấp 14 giấy phép trong đó có 10 mỏ đang khai thác, 4 mỏ đang thăm dò...
Trước đó, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình khai thác, vận chuyển đá tại khu vực Núi Bà, nhận thấy tình trạng khai thác đá của DN để lại nhiều hệ lụy gây bức xúc trong nhân dân. Qua đó, yêu cầu UBND tỉnh xem xét, có giải pháp để vừa đảm bảo về lợi ích kinh tế cũng như tác động môi trường và di tích lịch sử - văn hóa…
Cũng theo kết quả khảo sát của Sở Văn hóa Thể thao Bình Định, tuy các mỏ khai thác đá của DN chưa xâm hại trực tiếp đến 22 điểm di tích (đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia) thuộc quần thể di tích Núi Bà, nhưng đang gián tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh các điểm di tích lịch sử ở nhiều mức độ khác nhau.
Ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bình Định cho hay: Về tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, các đại biểu đã phản ảnh rất đúng. Vấn đề khai thác đá của các doanh nghiệp tại Núi Bà, các cơ quan chức năng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đánh giá tác động môi trường, đã cấp phép đúng quy định đã tính toán và có quy hoạch đầy đủ để tránh khu di tích lịch sử-văn hóa, đất quốc phòng...
Tuy vậy, việc đánh giá tác động môi trường vẫn chưa đúng, chưa sâu sát dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng đời sống nhân dân; DN khai thác còn nhiều hạn chế; khâu quản lý nhà nước còn chưa đạt hiệu quả. Trước khi cấp phép, Sở Tài nguyên Môi trường đã lấy ý kiến của nhân dân, thế nhưng do mức độ lấy ý kiến chưa rộng rãi dẫn đến nhiều ý kiến chưa đồng thuận.
Qua đó, ông Thành đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tham mưu với UBND tỉnh Bình Định để ban hành chỉ thị quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản; tăng cường hậu kiểm tra, kiểm tra đột xuất, cương quyết thu hồi nếu phát hiện DN làm ăn sai phạm; đẩy mạnh tuyên truyền đến quần chúng nhân dân; phối hợp với các cấp, ban ngành để tăng cường khâu quản lý sâu sát hơn nữa…