Một nhà thầu nước ngoài, sau buổi họp báo cáo tình hình thực hiện công trình của mình, không nén được bức xúc đã “hỏi” tôi: “Tại sao các ban ngành chức năng không ngồi lại chung một lần cho nhà thầu báo cáo? Tại sao cứ phải có một cuộc họp riêng cho chính quyền, một cuộc họp riêng cho cơ quan Đảng, một cuộc họp riêng cho HĐND và một cuộc họp riêng cho các đoàn, hội của Mặt trận Tổ quốc…? Trong khi chỉ có một nội dung cơ bản cho tất cả các cuộc họp. Đó là nghe nhà thầu báo cáo về dự án và tiến độ thực hiện…”.
Không chỉ nhà thầu nước ngoài, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước cũng rất tâm tư với cách làm việc ở một số nơi. Tuần này đại diện chính quyền đến làm việc, tuần sau đại diện các cơ quan Đảng tới. Mà cũng là những vấn đề liên quan đến hoạt động của đơn vị. Có khác chăng là đại diện chính quyền trao đổi sâu hơn về công việc của chính quyền và đại diện cơ quan Đảng hỏi thêm về công tác xây dựng Đảng.
Băn khoăn, bức xúc… nhưng mọi người lại ngại nói ra. Ngay như vị nhà thầu nước ngoài nêu trên, khi tôi hỏi ngược lại “Sao ông không góp ý cho chủ đầu tư để chủ đầu tư kiến nghị với các cơ quan lãnh đạo?”, ông ta chỉ cười xòa… Cũng dễ hiểu, bởi đây là vấn đề hết sức… tế nhị.
Rất may, ở TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nhìn ra thực trạng họp quá nhiều và đã chỉ đạo Sở Nội vụ TPHCM nghiên cứu, tìm giải pháp giảm số lượng cuộc họp ở các cơ quan hành chính. Chưa rõ Sở Nội vụ sẽ có giải pháp nào để giảm số lượng các cuộc họp, nhưng theo nhiều chuyên gia, sắp xếp các cuộc họp hợp lý hơn cũng là một cách. Trong nhiều nội dung, nếu lãnh đạo chính quyền ngồi chung với các cơ quan chuyên môn, HĐND, các chuyên gia, đại diện Mặt trận Tổ quốc để cùng nghe một vấn đề, cùng mổ xẻ, trao đổi… đến cùng sự việc, không những tiết kiệm được thời gian cho các cuộc họp khác mà còn có thể đưa ra được những chỉ đạo, kết luận sâu sắc hơn. Đơn vị báo cáo nhờ đó cũng nghe hết được các ý kiến góp ý và nắm rõ được chỉ đạo của cơ quan Nhà nước để thực hiện công việc tốt hơn.
Đã có nhiều ý kiến đề nghị nên “hợp nhất” một số cơ quan lại với nhau cho bộ máy tinh gọn hơn. Loạt bài “Thí điểm nhất thể hóa và việc đổi mới hệ thống chính trị” mà Báo SGGP đăng tuần qua, đã nêu khá rõ vấn đề này. Tuy nhiên, trong khi chờ có chủ trương chính thức và chủ trương đó được triển khai trong thực tế, các cơ quan nên chủ động phối hợp với nhau, cùng họp, cùng nắm vấn đề.
Vẫn biết, sắp xếp lịch làm việc của các cơ quan để có được một cuộc họp chung, không dễ. Nhưng nếu quyết tâm, chắc chắn sẽ làm được.