Chiều 18-4, tại hội trường UBND tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì cuộc họp báo công bố thông tin chính thức vụ phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông có hành vi dùng dung dịch nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê bán ra thị trường.
Tại cuộc họp báo, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông thông tin về vụ việc.
Theo đó, từ ngày 15-4 đến ngày 17-4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ thôn 13, xã Đắk Wer) làm chủ, đang sử dụng dung dịch hỗn hợp nước, pin để ngâm tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
Cơ sở kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị bắt quả tang hành vi dùng dung dịch nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê
Theo Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, hiện cơ quan công an đang triệu tập bà Loan, người sống chung với bà Loan là ông Nguyễn Xuân Bảo và người làm công cho bà là Ngô Ngọc Sơn.
Qua đấu tranh, bà Loan khai nhận đã tiêu thụ sản phẩm này ở tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn ngoan cố chưa khai nhận động cơ và mục đích của việc sản xuất hỗn hợp chất này.
“Hiện cơ quan công an cũng đang tích cực điều tra làm rõ động cơ, mục đích của việc sản xuất hỗn hợp này. Sản phẩm làm ra có phải dùng làm thực phẩm hay không? Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đang xác minh, điều tra đối tượng thu mua và mục đích mua để làm gì? Trong quá trình điều tra xác minh nếu thấy đủ yếu tố xử lý hình sự sẽ xử lý nghiêm”, Đại tá Lê Vinh Quy thông tin.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra không phát hiện các dụng cụ rang xay, dụng cụ đóng gói, bột cà phê tại cơ sở này nên chưa thể khẳng định sản phẩm của cơ sở này có phải thực phẩm hay không.
Hiện phía đơn vị đã lấy mẫu tang vật, chờ cơ quan chức năng xác định động cơ mục đích của của đối tượng để gởi mẫu đi kiểm nghiệm. Nếu như sản phẩm của bà Loan đưa ra thị trường làm thực phẩm thì đơn vị sẽ phân tích về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người. Nếu sản phẩm làm phân bón thì phải phân tích hàm lượng khác.
Cuối cuộc họp, ông Ngô Xuân Lộc khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định sản phẩm làm từ phế phẩm cà phê và hỗn hợp lõi pin của bà Loan có phải là thực phẩm hay không. Nếu sản phẩm là thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, UBND tỉnh đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm xác định mục đích động cơ của đối tượng sản xuất sản phẩm trên; xác định có hay không có sản phẩm được bán trên thị trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng xét thấy trong quản lý phía địa phương còn nhiều điểm hở. Do đó, đề nghị các cấp ngành cơ sở phải tăng cường quản lý, kiểm soát đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn”.