Họp bạn

Từ dạo con trai lập cho cái tài khoản phây búc (Facebook), ông Vinh vui hẳn. Già rồi, không có nhu cầu chu môi móp má chụp ảnh tự sướng, cũng không đi lai (like) dạo mấy tấm hình mát mẻ thiếu vải nhưng ông vẫn ở trên đó hàng ngày, thậm chí hàng giờ, vì trên đó, ông tìm lại được các bạn ông.

Bạn ông, mỗi người một hướng, hình như có mình ông là ở lại quê. Ông nghĩ, đời mình sẽ gắn với mảnh vườn, mấy sào ruộng và căn nhà ba gian hai chái thừa hưởng của bố mẹ đến hết đời. Nhưng con trai ông một lần về quê nói vợ ông lên thành phố giữ con cho nó. Thành phố gạo châu củi quế, hai vợ chồng đi làm nuôi đứa con mà chật vật với bao nhiêu thứ phải lo, nào tiền thuê nhà, tiền sữa, tiền tã giấy… chưa kể ốm đau, nay thêm tiền gửi trẻ nữa có mà chết. Bà nói, hay hai đứa mang con về mẹ trông, vợ chồng rảnh chân làm ăn, ông biết bà không đành để ông ở nhà một mình. Thằng con thì kêu, tụi con làm sao xa đứa nhỏ được. Tính tới tính lui, ông bà thỏa hiệp với phương án cả hai lên thành phố. Bố mẹ, con cái, cháu chắt có nhau, nhân tiện cho ông bà dưỡng già.

Trên phây, bạn bè ông ai cũng thành đạt, con cháu đề huề, toàn đăng hình nhà to, cháu nhỏ, những bữa ăn ở nhà hàng. Đôi khi ông tủi thân, mặc cảm vì mình kém cỏi, nhìn con trai, con dâu vất vả ông cứ thương. Con trai nghe ông nói thì bật cười, nói: “Bố tin gì những chuyện trên ấy, nhiều ông com-lê, cà vạt vậy để chụp hình thôi, phía dưới là pijama nhàu nát ấy!”. Ông không tin, nói lớp trẻ các anh mới vậy, chứ già như chúng tôi ai làm thế. Con trai cười không nói thêm, ông có chút nghi nghi, mà nghi chẳng để làm gì. Ông cũng chẳng dở hơi mà đi hỏi có đúng như con trai nói không, mỗi ngày nhìn thấy nhau khỏe mạnh, hỏi thăm, chúc nhau vài câu là được.

Bà vợ ông ngày nào cũng càu nhàu việc ông ôm điện thoại, cứ như đám choai choai ấy, thành nghiện. Ông bảo: “Thì có việc gì cho tôi làm đâu”. Sáng ra, chúng nó đi làm, hai ông bà ở nhà với cháu, lau quét nhoáng là xong, ông tưới cây, lo bữa trưa, bà cho cháu ăn, ru cháu ngủ, ông rửa bát xong thì biết làm gì. Buổi tối, con trai con dâu về, đòi lại thằng bé vì cả ngày bố mẹ đã mệt, tivi thì phim nào phim nấy sướt mướt.

Một thời gian, ông Vinh thấy chán, suốt ngày lên phây chỉ khoe nhà xe, đi ăn chỗ nọ chỗ kia. Mà người ta chụp hình không ngượng nhỉ, ông đây trong ngày cưới thằng em họ phải hướng dẫn mãi mới chụp xong cái hình, mặt lại ngượng nghịu. Thế mà người ta còn chu mỏ làm dáng, ông nhìn mà nổi da gà.

Mấy ngày không lên phây, vừa vào ông đã nghe các bạn cũ đang bàn tổ chức họp lớp tại thành phố. Ông cười, tưởng đám trẻ mới họp lớp này kia, hóa ra đám già cũng học theo. Ông định hỏi chi phí tính sao thì thấy bình luận của ông Phúc, nói con trai vừa thăng chức, muốn chia sẻ niềm vui nên sẽ ủng hộ hai mươi triệu đồng. Cả đám xuýt xoa chúc mừng, người ủng hộ ba tháng lương hưu, người ủng hộ toàn bộ nước uống, ông tắt điện thoại, lòng buồn buồn.

Ông ghen tỵ với bạn có con cái thành đạt, chạnh lòng với bạn có lương hưu, ông thấy hai vợ chồng đang là gánh nặng của con. Con trai tuần tăng ca mấy ngày, chủ nhật nhiều khi cũng đi làm. Đừng nói làm hay không tùy mình, thử xin nghỉ tháng đôi lần xem, lương bị trừ đầu trừ đuôi, chưa nói, khéo còn bị để ý rồi kiếm cớ cho thôi việc. Cả bộ máy đang vận hành thế, mình anh giở chứng ảnh hưởng đến bao người, thôi mời anh về, tôi tuyển người khác, năm giây! Con dâu về nhà là lao vào bếp rồi ôm con cho ông bà nghỉ ngơi. Chúng nó cũng biết ý và khéo léo, chỉ là ông bà không có gì cho con, đã vậy ở trên này chi phí đắt đỏ, ăn uống, tiền điện nước cũng tăng.

Bà gạt đi, mỗi người một hoàn cảnh, mình vui vẻ khỏe mạnh cho con cái yên tâm là tốt rồi: “Tôi chỉ cầu trời đừng ốm đau gì, có ốm thì đợi thằng Tũn cứng cáp đi học hẵng ốm”. Ông nhìn bà, bà ốm thì tôi chăm, nhưng không ốm vẫn là tốt nhất. Ông quyết định tham gia, bạn bè khá thì mừng cho bạn.

Ông nhắn cho ông Cường, bữa đó tôi ghé qua đón ông nhé, cũng một chuyến xe, tôi bao. Ông nói và sờ sờ ngực áo, nơi có mấy tờ tiền con trai vừa dúi vào. Ông Cường nói không đi được. Ông nhíu mày, nói luôn: Ông Phúc với mấy ông kia chơi sang nhỉ, tôi thì chả có nhiều, con trai đưa cho một triệu đồng dằn túi thôi. Nhưng cứ đến chơi một tí, gặp nhau được là mừng, ăn uống gì đâu.

Một tấm ảnh được gửi qua, một ông già còn da bọc xương được phủ cái mền nỉ xám. Hai mắt trũng sâu, đầu trọc lóc. Ông bàng hoàng nhận ra ông Cường. Ông kinh ngạc vì mấy hôm trước, ông Cường còn khoe ảnh chụp ở biển kia mà. Ông Cường nhắn: “Hình ấy lâu rồi, tôi nằm đã hơn một năm, cũng may vẫn còn nhúc nhắc mấy ngón tay để xem bạn bè mình thế nào”. Ông Cường báo thêm, ông Định mới được đưa từ bệnh viện về quê, hưởng nốt ít ngày không khí trong lành, thăm lại quê cha đất mẹ và có lẽ sẽ đi ở đó. “Còn bà Lam, ông nhớ chứ, mới nhập viện vì tai biến, hôm qua tôi gặp ở viện”. Ông nghe nghẹn ứ, những ngón tay run rẩy cứng đờ. Ông trệu trạo nuốt mấy hột cơm dù miệng đắng ngắt, nhìn đứa cháu đang bò đuổi theo con thỏ chạy bằng pin, nghĩ ơn trời cứ thế này cũng được, nhỡ ông bà ốm nằm đấy, khổ mình một, khổ con cháu bằng mười.

Giữa sáng, ông sơ mi đóng thùng, quần tây đen ra xe. Con trai ông kêu taxi, nói bố đi cho khỏi nắng. Thằng cháu nhoài người đòi theo. Trên đường ông còn phiền cậu tài xế dừng ít phút ở siêu thị cho ông mua túi trái cây. Thăm ông Cường rồi ông sẽ hỏi thăm nhà bà Lam, ông Định thì xa quá. So với họ, ông giàu có chán.

Mai kia, con trai hỏi, sao không thấy bố trong hình họp lớp. Ông sẽ trả lời: “Bố không họp lớp, bố đi họp bạn”. Họp nào cũng là họp mà, đúng không? 

Tin cùng chuyên mục