Nét xưa chưa cũ
Khi bảo tàng công trong nước chưa đủ điều kiện để sưu tập lại những bức tranh Đông Dương, phần lớn tranh Việt “hồi hương” đều thuộc các bộ sưu tập cá nhân. Triển lãm Hồn xưa bến lạ từ hơn 200 bức tranh thuộc các bộ sưu tập cá nhân trong nước, được nhà đấu giá Sotheby’s đứng ra bảo trợ để thực hiện triển lãm và tuyển chọn, trưng bày hơn 50 bức tranh của bộ tứ họa sĩ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm” (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).
Mấy năm qua, sức hút từ những bức tranh có tuổi đời đã gần 100 năm ngày càng tăng. Tại phiên đấu giá vào tháng 4-2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, tranh Việt phá kỷ lục với bức “Portrait of Mademoiselle Phuong” (tạm dịch: Chân dung cô Phượng) của họa sĩ Mai Trung Thứ, đạt mốc 3,1 triệu USD (sau khi tính thuế, phí). Vào phiên đấu giá tháng 4-2022, bức “Figures in a Garden” (tạm dịch: Những dáng hình trong khu vườn) của họa sĩ Lê Phổ, được gõ búa với giá 2,3 triệu USD (chưa tính thuế, phí).
Bộ tứ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm” được ví là “quái kiệt” trong làng tranh Đông Dương ở trời Tây. Tháng 6 đến tháng 10-2021, Bảo tàng Cernuschi và Bảo tàng Ursuline (Mâcon, Pháp) tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, có sự tham gia và hỗ trợ của bà Mai Lan Phương (con gái họa sĩ). Theo cơ quan truyền thông Mâcon, triển lãm được Bộ Văn hóa Pháp công nhận là sự kiện có tầm ảnh hưởng quốc gia.
Triển lãm Hồn xưa bến lạ mở cửa trong 4 ngày, nhưng phải đóng cổng đăng ký trực tuyến trước đó khoảng 1 tuần vì lượng khách đăng ký đã đủ. Có mặt từ ngày đầu triển lãm, anh Nguyễn Trần Trung Hoàng (43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi phải đăng ký đến 2 lần mới được, nên tranh thủ đi xem. Tranh thuộc các bộ sưu tập cá nhân, không dễ có dịp trưng bày nhiều như thế này để mình thỏa mắt”.
Chụp lại khá nhiều hình ảnh trong triển lãm, chị Phạm Thị Thùy Trang (27 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) bày tỏ: “Những bức tranh này không dễ để mình được tận mắt xem vì nó thuộc sở hữu cá nhân, họ trưng bày ở tư gia hoặc ký gửi lại các sàn đấu giá như một cách để đầu tư. Tôi tranh thủ chụp lại những bức tranh mình thích, bút pháp và màu sắc của các cụ xưa dù cách nay đã lâu nhưng vẫn rất sắc”.
Giám tuyển Ace Lê cho hay: “Không chỉ người Việt quan tâm tranh Việt, nhiều nhà sưu tập Nhật Bản hay Trung Quốc cũng khá quan tâm đến tranh Việt Nam. Và sưu tập tranh gần đây cũng như một kênh đầu tư, vì thanh khoản của nó tăng nhanh và cao, tranh Việt liên tục đạt mốc triệu USD cũng vì thế”. |
Và câu chuyện mới bắt đầu…
Không chỉ đơn thuần là triển lãm để thỏa mắt công chúng yêu mến hội họa, việc nhà đấu giá Sotheby’s lựa chọn Giám tuyển Ace Lê (Tổng Biên tập Tạp chí Art Republik Việt Nam, thành viên Ban cố vấn Kho dữ liệu nghệ thuật Việt Nam - ViAA) trong cuộc trưng bày này cho thấy sự tôn trọng với di sản văn hóa nghệ thuật địa phương, khi hợp tác với chuyên gia bản địa để thực hiện dự án.
Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, giới hội họa dự đoán, sự kiện sẽ mở ra nhiều tiềm năng cho hội họa trong nước. Giám tuyển Ace Lê chia sẻ: “Những năm gần đây, tranh Việt, nhất là tranh Đông Dương, trên sàn quốc tế rất được chú ý. Tuy nhiên, vẫn còn lùm xùm về nghi vấn tranh giả, nhầm tên họa sĩ, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để các nhà sưu tập tư nhân đối thoại nhiều hơn với giới chuyên môn, truyền thông. Thị trường cũng đã đủ lớn, thông qua triển lãm phi thương mại lần này, việc bắc cầu giữa khối thương mại, khối học thuật và công chúng nói chung là rất cần thiết, để chúng ta xây dựng thị trường mỹ thuật của chính mình minh bạch hơn trong nhiều khía cạnh”.
Tại những phiên đấu giá trong 3 năm gần đây trên các sàn quốc tế, tranh Đông Dương nhiều lần được gõ với giá triệu USD, thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, giá trị và trị giá của một tác phẩm hội họa là khác nhau. Tranh của các họa sĩ Đông Dương trải qua một thời gian đủ để chứng minh vị thế của mình, nhưng theo nhiều họa sĩ, đây chưa phải là thước đo chung cho hội họa Việt Nam, mà đúng hơn chỉ mới là lời mở đầu…
“Xét về lịch sử, họ là những họa sĩ Việt Nam đầu tiên và đúng nghĩa vì được đào tạo bài bản qua trường lớp, cụ thể ở đây là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thành lập vào năm 1925. Xét về giá trị nghệ thuật, tác phẩm của họ mang tính chất “khai thị” của lớp họa sĩ mở đầu, chứ không phải giá trị tạo hình theo nghĩa kinh điển hàn lâm, nghĩa là không có giá trị học tập và kế thừa, tôi nghĩ giống như một “lời mở đầu”, chưa phải là nội dung câu chuyện”, họa sĩ N.T.B. chia sẻ.
Một trong những họa sĩ có tranh cán mốc triệu USD trên sàn đấu giá quốc tế, họa sĩ L.K.T., cũng chia sẻ lên trang cá nhân: “Một triển lãm cực hay, quan trọng, rất giá trị và rất đáng xem với các thế hệ hậu bối. Một cuộc trưng bày với nhiều tác phẩm giá trị và đương nhiên, với một nhà đấu giá danh tiếng thế giới đứng ra tổ chức, ngoài tầm vóc giá trị của tác phẩm, thông điệp như nhắn gửi về yếu tố trị giá thương trường dĩ nhiên không hề nhỏ. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ rất vội vàng nếu lấy thước đo giá trị hay trị giá từ những tác phẩm của các tiền bối Đông Dương mà định dạng, đóng khung, lấy đó làm tiền đề phổ quát cho sự phát triển tầm vóc của mỹ thuật Việt Nam. Cá nhân tôi e rằng sẽ không chuẩn xác và khiên cưỡng”.
Đường dài của tranh Việt chắc chắn còn nhiều tiềm năng và hứa hẹn. Việc “ông lớn” trên sàn đấu giá quốc tế mở triển lãm phi thương mại, nếu ví như cuộc thăm dò thực tế hay “lời mở đầu”, đều là những tín hiệu đáng mừng để chứng minh tầm vóc và sức hút của thị trường tranh Việt Nam. Chẳng hạn, nhà đấu giá Sotheby’s có thể thành lập một chi nhánh dành riêng cho thị trường Việt Nam, như họ đã làm với Indonesia hay Thái Lan. Hoàn toàn có cơ sở để mong đợi điều này.