Hồn quê

Sinh ra tại vùng quê lúa Thái Bình, thỉnh thoảng tôi có về quê nhưng mỗi lần đều rất vội và cũng chỉ quanh quẩn trong thành phố, nên lần này tôi cùng anh trai quyết định phải đi thăm thú vài nơi. Có đi mới biết cái hồn quê vẫn thấm đẫm trong những con người chân chất và trên những cánh đồng lúa vàng ươm đang vào vụ thu hoạch…
Trên cánh đồng lúa xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Trên cánh đồng lúa xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Bao la đồng lúa

Dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp nhường chỗ cho công trình đường sá, khu công nghiệp, nhưng cánh đồng lúa vẫn hiện diện ở khắp nơi. Chỉ cần ra khỏi trung tâm TP Thái Bình khoảng 10 cây số, về xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, đã thấy bao la đồng lúa. Ngay sát đường từ quốc lộ 10 về xã Đông Quan, lúa chín đều, vàng trĩu bông, mang đến niềm vui và sự no ấm cho nhà nông. Đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu nên trên các cánh đồng trải một màu vàng quyến rũ và thấp thoáng bóng người.

Tranh thủ xuống xe, lội bộ vào tận ruộng, chúng tôi hỏi chuyện một lão nông tên Thạo, ở thôn Lang Trung, xã Trung An, huyện Vũ Thư. Cả nhà đang tập trung thu hoạch vụ lúa hè thu. Ông Thạo cho biết: “Do tình hình thời tiết bất lợi, mùa này nhà tôi cấy 4 sào Bắc bộ (360m2 ), năng suất độ 1,7 tạ/sào và dự kiến thu hoạch được 7 tạ thóc, thấp hơn so với vụ xuân, năng suất 2,3-2,4 tạ/sào”. Nhờ thuê máy gặt đập liên hợp nên loáng một cái đã thu hoạch xong và gia đình chỉ việc mang bao lúa, chất lên xe ba gác chở đi phơi. Nắng ấm nên người dân còn tranh thủ phơi phóng ngay trên con đường bê tông xi măng dẫn vào làng.

Độc đáo chùa Keo

Về quê lần này, chúng tôi được một ông chú hướng dẫn viếng thăm chùa Keo - ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 900 năm tính từ khi vua Lý Anh Tông ban chiếu đổi tên chùa là Thần Quang (năm 1167). Do chùa nằm trên địa phận làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) nên người dân gọi là chùa Keo, ngôi chùa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Không chỉ cổ kính xét về tuổi đời và lịch sử hình thành mà ngôi chùa còn là một bảo tàng về kiến trúc chùa gỗ Việt Nam với chất liệu gỗ lim đặc trưng từ trong ra ngoài, từ cổng đến cột kèo, tháp chuông. Khuôn viên của chùa khoảng 58.000m2 thuộc trong số những ngôi chùa cổ có diện tích lớn nhất Việt Nam hiện nay. Một năm chùa Keo có 2 lễ hội chính vào mùa xuân và mùa thu. Cô nhân viên hướng dẫn cho hay: Ngoài các hoạt động tế lễ, rước truyền thống như mọi năm thì nét mới của các lễ hội năm nay là có hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP của tỉnh và thêm 2 gian hàng của huyện Võ Nhai (Thái Nguyên)… Các hoạt động này nhằm góp phần quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất và người Vũ Thư, Thái Bình.

Dạo quanh chùa, chúng tôi còn được giới thiệu thêm về các công trình chính như Tam Quan, chùa Phật, Đền Thánh, gác chuông… được giữ gần như nguyên vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay. Giàn tượng pháp chùa Keo còn rất đầy đủ, nhất là tượng Thánh Không Lộ, được tạc bằng gỗ trầm hương dưới thời Lý (1094). Bên cạnh đó, chùa còn nhiều đồ thờ cổ có giá trị như đôi chân đèn thời nhà Mạc, đồ gốm thời Lê, thuyền rồng Long Đình, nhang án thời Lê và tất cả đều được sơn son thếp vàng sáng bóng dù tuổi đời đã gần 400 năm.

Tấm lòng người quê

Chú tôi sinh năm 1951, vốn là bộ đội đặc công thời kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đêm 27-4-1975, đơn vị chú gồm 31 người, được giao nhiệm vụ tấn công chiếm giữ một đầu cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai) để đảm bảo giao thông cho Quân đoàn 4 tiến về nội đô. Chú hồi tưởng: Những trận chiến ác liệt đã diễn ra, cho đến trưa 30-4, khi quân giải phóng đang tiến vào Dinh Độc Lập, đơn vị chú vẫn chiến đấu và cuối cùng chỉ 5 người sống sót…

Hết chiến tranh, chú tưởng rằng sẽ được giã từ vũ khí để tiếp tục con đường học hành, nhưng đến năm 1979, chú cùng đồng đội lại hành quân sang chiến trường Campuchia cho đến năm 1982 mới được ra quân. Sau khi học tại chức Đại học Tài chính, chú về Ty (nay là sở) Tài chính tỉnh công tác cho đến ngày nghỉ hưu. Do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên chú với dì không có con, nhưng họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau và yên vui với cảnh đất nước thái bình. Họ không than thân trách phận, không buồn phiền. Chú thường tự nhủ: Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm vẫn còn với nhiều đồng đội bị thương tật nặng hơn chú và so với những đồng đội đã hy sinh, so ra chú vẫn còn hạnh phúc. Bởi thế, chú tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương để quên đi sự khốc liệt của chiến tranh.

Cứ mỗi lần về quê, các dì, chú lại mua quà cho cháu mang về gọi là “chút quà quê” như bột sắn dây, bánh cáy làng Nguyễn, kẹo lạc và nhất quyết không được từ chối, bất kể việc đi lại bằng máy bay rất khó mang quá nhiều hành lý. Dù đang thời kinh tế thị trường, có thể tìm, đặt mua các thứ đặc sản của quê lúa một cách dễ dàng và cũng không còn cảnh thèm bánh kẹo như ngày xưa còn bé, nhưng khi nhận từ tay các dì của mình, chúng tôi vẫn thấy hương quê tỏa ra từ những món quà bình dị ấy.

Tin cùng chuyên mục