Mất trật tự đô thị
Tại ngã tư Tô Ký - Bùi Văn Ngữ, đoạn gần chợ Ngã Ba Bầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) có gần 10 xe hàng rong chiếm dụng lòng lề đường, mỗi xe có kèm một loa mini phát inh ỏi từ sáng tới qua giờ trưa, rồi từ 3 giờ chiều đến chập tối.
“Hột gà, 18 ngàn một chục, một chục 18 ngàn đồng!”, “10 ngàn 3 trái bầu bự chà bá, chị ơi!”, “Khổ qua 3 trái bự 10 ngàn, mua đi mua đi!”, “Dưa hấu Long An mỏng vỏ, bao ngọt, 15 ngàn một ký, một ký 15 ngàn, sổ hết sổ hết 15 ngàn một ký luôn bà con ơi!”…
Cả góc đường chỉ toàn tiếng rao tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp khiến nhiều người bực mình, nhức đầu khó chịu.
Còn chị L.N.T.D. (ở quận Bình Thạnh) kể: “Đi ngang ngã tư này, dừng đèn đỏ chưa tới 1 phút mà tôi lùng bùng lỗ tai vì tiếng loa rao hàng quá đinh tai nhức óc. Không nghe rao bán thứ gì ra thứ gì luôn. Mình đi ngang nghe đã thấy mệt, huống gì cư dân ở đây, hẳn phải khổ sở lắm. Chưa kể, mấy xe bán hàng này lấn chiếm lòng lề đường nhưng không thấy chính quyền địa phương chấn chỉnh”.
Đâu chỉ có vậy, từ ngã tư này, rẽ phải vào đường Bùi Văn Ngữ chừng 200m có tới gần 30 xe hàng rong và cũng gần chừng đó chiếc loa mini phát liên tục. Từ rao bán bắp, dưa hấu, cam quýt, bầu bí… đến bẫy đánh chuột, keo dính chuột...
Những cảnh buôn bán hàng rong hỗn độn, ồn ào mất trật tự như vậy cũng diễn ra ở nhiều nơi khác: đường Nguyễn Văn Linh, đoạn gần ngã tư Nguyễn Văn Linh - Chánh Hưng, đường Phạm Văn Chiêu trước chợ Thạch Đà (quận Gò Vấp); đường trước chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12)...
Hai bên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), hàng rong cũng bày la liệt, từ sim điện thoại, trái cây, chăn drap nệm gối, đến các quán ăn nhậu đều dùng loa rao hàng. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vào buổi chiều tối, khi các hàng quần áo, hàng ăn được bày ra, cũng là lúc các loa phát ra tiếng mời gọi inh ỏi.
Không thể để tiếp diễn
Pháp luật đã có các quy định khi kinh doanh lưu động, cá nhân hoạt động thương mại không được dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn và các phương tiện tăng âm khác cổ động, quảng cáo cho hoạt động kinh doanh lưu động mà chưa cam kết với chính quyền địa phương về việc sử dụng đúng mục đích và bảo đảm trật tự. Tuy vậy, nhiều người bán hàng rong vẫn thản nhiên vi phạm, mạnh ai nấy phát loa rao khắp đầu đường, cuối phố, ngã tư.
Vì cuộc sống khó khăn, nhiều người chọn cách bán hàng rong ở những nơi có đông người qua lại để mưu sinh. Họ chiếm dụng một chỗ trên vỉa hè và làm nhiều cách để khách hàng chú ý, gây mất tập trung cho người qua lại, mất an ninh trật tự trên đường phố. Các địa phương cần quản lý, chấn chỉnh tình trạng này để lập lại văn minh đường phố, trật tự đô thị. Cần mạnh tay với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.