Rất nhiều năm trước, bác trưởng Ấm nhà tôi thường giao hẹn khi giỗ bà nội trong tiết thanh minh, lại tụ họp. “Nhà mình đi chợ Đuổi cho gần, cùng lắm xuống chợ Mơ, sao cô Ba phải ngược lên chợ Bưởi mua sắm làm gì, cho xa?”, bác Ấm hỏi. Mẹ tôi đáp: “Em cho cháu nó đi chơi chợ, mới lại chợ Bưởi nhiều thứ gánh gồng cho cháu nó biết chợ phiên”. Nào rau dưa bánh trái, toàn những thứ lá thơm. Đó là cách đi chợ từ hôm trước để góp giỗ bà nội, mẹ tôi hay cho con đi chơi chợ. Giá vé tàu điện hồi đó chỉ có mấy xu được nghe leng keng lên chợ Đồng Xuân, qua bốt Hàng Đậu, rồi qua đền Quán Thánh, cuối cùng cũng lên tới chợ Bưởi. Chợ phiên thì thôi rồi, nón mũ nhấp nhô, quang quang gánh gánh nườm nượp người, toàn nón lá, quần đen áo vải.
Tháng ba hoa mộc nở, thứ hoa hồng ta đầy gai cũng nở, tôi đã có buổi chợ chất đầy mùi hoa. Rồi được mẹ cho ăn quà bánh cuốn chả lụa trên đôi quang bà Tư gù. Lưng bà Tư còng xuống nhưng bánh bà tráng mỏng và ngon vô cùng. Nước mắm chợ đâu có được ngon như ở nhà, nhưng bà Tư pha thêm vị cà cuống và ớt tươi, một nhúm rau kinh giới, có vị của quà chợ quê. Có lần đi tàu điện về, xuống bờ hồ, mẹ cho tôi ăn phở gánh, không ngờ những ám ảnh đôi quang gánh, hồn của đôi quang tre nhập vào người tôi. Nay đi chợ Hà Nội muốn tìm, đâu còn thấy quang gánh nữa.
Chiếc đòn gánh, có lẽ chỉ còn có bán ở chợ Viềng - phiên chợ cầu may mà thôi. Từ những gánh hàng rau, hàng hoa quả, những lồng tre chứa những ngan ngỗng, gà giống, gánh rổ rá, thúng mủng… nhiều thứ nó cứ ẩn vào tim, không sao xóa nhòa được hồn của đôi quang gánh trên vai xiêu vẹo đời người của thế kỷ trước.
Tháng ba mưa phùn, trời nồm nên chỉ mong có nắng. Nào ai mua được nắng tháng ba ở Hà Nội? Nắng cũng làm cho gương mặt chợ quê, nhất là những hàng quán, thơm mùi gia vị. Những chiếc đòn gánh cong, một bên quang gánh là vò bún ốc nguội, chiếc muôi gỗ rót nước ốc có vị giấm bỗng chua dịu và cay sè của ớt khô giã chưng với mỡ gà. Những lá bún đếm trăm, lá bún nhỏ bằng con hến chan nước ốc nguội, chỉ nhìn đã chụm môi cho đỡ nuốt nước miếng… Chiếc đòn gánh cong, vắt vẻo một lọn rơm xanh buộc ở đầu đòn gánh, người bán cốm non mang cả mùa cốm, mang cả hơi lúa vào phố.
Bây giờ chợ Hà Nội thiếu vắng đôi quang gánh, chợ Mơ chợ Bưởi, đã là những nhà kính cao tầng sáng choang. Cái quầy bán lá xông, thang thuốc nam của người làng Đại Yên cũng nằm trên bệ xi măng. Xi măng và đá ốp lát, đã đánh thó hơi hướm của vị lá, đánh thó vẻ tự nhiên của thiên nhiên trong hồn chợ. Rồi thúng mủng giần sàng, tre nứa cũng ít đi. Thứ nữa, đến măng nứa, miến dong, bánh chưng cũng hút chân không. Nếu cứ đi chợ siêu thị với giá niêm yết, kính đèn sáng choang, nhiều lúc mẹ già cả cứ ngây ra nhìn… nhìn mọi thứ trong chợ thời hiện đại đã đổi thay chóng mặt. Nhìn người ta quẹt thẻ trả tiền, không mặc cả và không nói thách.
Tôi đi chợ, hồn của chợ phiên Hà Nội và chợ quê xưa vẫn còn một thứ để hôm nay ngoảnh lại, thấy bóng dáng chiếc đòn gánh cong, đôi quang tre xiêu vẹo trên bờ vai mẹ, vai chị, của Hà Nội cũ quê mùa.