Hồn Bắc ở phương Nam

Một dạo cách đây gần chục năm, thành phố rộ lên trào lưu đi ăn bún đậu mắm tôm, uống trà chanh chém gió. Bẵng đi một thời gian, mọi thứ lắng xuống nhưng không hẳn mất đi, vì với một vùng đất luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, đó là một lẽ tất yếu. 

Thời điểm “cơn lốc” trà chanh nở rộ tại TPHCM vào khoảng những năm 2012-2013. Nhưng phong trào uống trà chanh chém gió sau đó cũng nhanh chóng thoái vị bởi nói đến mảnh đất phương Nam, khó gì qua được cà phê sữa đá. Cách đây chừng 2 năm, trà chanh trở lại nhưng bớt rầm rộ hơn. TPHCM giờ vẫn còn những quán trà chanh, như gia vị điểm tô thêm cho nhộn nhịp phố phường. 

Bún đậu mắm tôm vẫn luôn được đón nhận tại mảnh đất phương Nam
Cùng thời trà chanh chém gió là bún đậu mắm tôm. Món ăn đường phố dân dã của Hà Nội khi đặt chân vào mảnh đất phương Nam thu hút rất nhiều sao Việt đến thưởng thức. Trào lưu này hot đến mức cộng đồng mạng truyền tai nhau nhất định phải đến thưởng thức, rồi chụp hình check-in ở chỗ này chỗ nọ. Thậm chí nhiều nghệ sĩ Việt cũng đổ xô mở quán bún đậu mắm tôm, cho đến nay có người vẫn còn kinh doanh. Ngoài thương hiệu bún đậu cô Khàn (của người mẫu Trang Trần) ra đời khá sớm, diễn viên Mạc Văn Khoa còn đưa món ăn này đến xứ sông nước Cần Thơ. Khác với trà chanh, bún đậu mắm tôm vẫn có chỗ đứng riêng, nhiều cửa hàng ăn nên làm ra, thậm chí kinh doanh phát đạt.


Đó chỉ là hai trong số vô vàn những đặc sản đặc trưng của xứ Hà thành du nhập vào phương Nam. Người Nam bộ vốn sống khoáng đạt, dễ tiếp nhận cái mới, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Có thể kể thêm những: bún chả Hà Nội, chả cá Lã Vọng, cà phê trứng, bún thang, bún riêu cua…; dẫu có lúc lên cơn sốt, khi lại là “một nốt trầm xao xuyến” nhưng vẫn cứ tồn tại như một phần không thể thiếu, bởi cung - cầu dịch chuyển theo từng giai đoạn khác nhau nhưng không hẳn mất đi. Ngoài việc phục vụ cho một bộ phận thực khách ăn để hoài niệm quá khứ, bớt nỗi nhớ nhà xa quê, nó dần dần tìm cách chinh phục thực khách bản địa. 

Tất nhiên, không hẳn đặc sản phương Bắc nào khi dừng chân tại TPHCM đều giữ nguyên bản phong vị, cách ăn uống như vốn có. Một thời, nhiều chủ quán trà chanh đã thức thời bổ sung vào thực đơn đủ kiểu mix, match (pha trộn) nào là trà chanh đào, trà chanh dây; hay thêm một số loại dùng kèm với trà và đồ ăn đi kèm như: nha đam, trân châu, thạch trái cây, khô gà… Hay điển hình như bún đậu mắm tôm - vốn là món ăn vỉa hè dân dã nay được nâng cấp lên hẳn nhà hàng hạng sang hay có các dịch vụ giao tận nhà tiện lợi. Bún đậu không nhất thiết phải ăn với mắm tôm, nhiều người ăn với nước mắm pha ngọt, thậm chí nước tương, rồi ăn kèm rau húng, ngò gai. Ngay cả khẩu vị mắm tôm cũng ngọt hơn “bản gốc”. 

Xét cho cùng, khám phá ẩm thực không chỉ là nhu cầu nhằm thỏa mãn dạ dày. Quan trọng hơn, nó cũng là một cách để chạm vào văn hóa của cả một vùng miền, nơi những tinh hoa được hội tụ và làm nên đặc trưng riêng biệt. Trong quá trình du nhập, những biến tấu về cách nấu, cách ăn xét cho cùng cũng là điều dễ hiểu. Và quan trọng hơn, những gì làm nên hồn cốt của mỗi món ăn, thức uống vẫn được giữ, để tạo phong vị riêng trong sự đa dạng của ẩm thực phương Nam.

Tin cùng chuyên mục