Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.
Đáng chú ý, số người mắc SXH tập trung chủ yếu ở phía Nam nhưng riêng tại Hà Nội đang tăng đột biến. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nêu rõ, qua giám sát cho thấy ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh huyện rất sát sao nhưng tuyến cơ sở một số nơi vẫn chưa sâu sát trong phòng chống dịch.
Nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch, khi qua kiểm tra cho thấy trong khuôn viên nhà ở vẫn còn nhiều tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy.
Đối với “điểm nóng” Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 13.000 người mắc SXH, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc tại Hà Nội tăng dần theo từng tuần. Hà Nội hiện đã lưu hành cả 3 tuýp gây dịch SXH.
Hiện nay Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, hiện có 308 xã phường trong tổng số hơn 584 phường của Hà Nội đã thành lập đội diệt bọ gậy phòng chống SXH. Để phòng chống dịch SXH, Hà Nội đã phun cả hóa chất bằng ô tô và phun nhiều điểm. Hiện nay Hà Nội có khoảng 150 đội phun hóa chất.
Số người mắc SXH liên tục tăng cao đang khiến cho nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội bị quá tải nghiêm trọng. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, chỉ trong 10 ngày từ 21-7- tới 10-8 đã có trên 2.027 ca SXH vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương điều trị, trong đó Hà Nội có gần 1.800 ca.
Ngoài ra tại các bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội như: Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn… số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng hàng ngày.
Hà Nội dùng xe ô tô và máy phun công suất lớn để phun hóa chất diệt muỗi
Trước diễn biến dịch SXH đang ngày càng phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền người dân về phòng chống muỗi đốt, nằm màn và bôi thuốc muỗi. Đồng thời quyết liệt diệt lăng quăng, bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi. Trong công tác truyền thông tránh gây hoang mang cho người dân.
Đối với người dân khi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Chỉ nhập viện khi bác sĩ chỉ định.
Đối với “điểm nóng” Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Hà Nội cần tổ chức thành chiến dịch quyết liệt phun thuốc diệt muỗi, Bộ Y tế sẵn sàng cung ứng thêm hóa chất, phương tiện để phục vụ Hà Nội chống dịch SXH.
Việt phun thuốc diệt muỗi cần thực hiện ở trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, phòng khám khu vực, và trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng với tần suất 3 lần/ tháng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Hà Nội phải tăng lên 20 xe và 20 máy phun công suất lớn so với 2 xe và 2 máy phun như hiện nay. Đồng thời yêu cầu các bệnh viện phải nâng cao hiệu quả điều trị, tránh để lây chéo bệnh trong bệnh viện cho bệnh nhân, cũng như hạn chế tối đa bệnh nhân nằm ghép.