Hóa học hay sinh học hiệu quả hơn?
Tại tọa đàm về thuốc bảo vệ thực vật tổ chức chiều 8-11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), cho rằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học có ưu điểm rõ rệt là có khả năng diệt trừ sinh vật gây hại một cách nhanh chóng và triệt để, giúp kiểm soát dịch bệnh trên diện rộng trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn của thuốc bảo vệ thực vật hóa học là việc lạm dụng và sử dụng không đúng cách. Người nông dân đôi khi tin rằng thuốc bảo vệ thực vật có thể giải quyết mọi vấn đề, dẫn đến tình trạng sử dụng sai kỹ thuật, thiếu kiểm soát.
Điều này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước và đất mà còn để lại dư lượng thuốc trên nông sản, gây độc hại cho người tiêu dùng và động vật, thậm chí còn làm mất cân bằng sinh thái, gây bùng phát các loài sinh vật gây hại mới và làm giảm hiệu quả phòng trừ.
Do đó, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được coi là giải pháp thay thế an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề về sức khỏe và môi trường đang ngày càng được chú trọng. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thuốc bảo vệ thực vật sinh học ít độc hại đối với con người, sinh vật có ích và môi trường. Loại này sẽ phân hủy nhanh chóng trong tự nhiên, ít để lại dư lượng trong nông sản và có thời gian cách ly ngắn, rất phù hợp với các sản phẩm nông sản sạch như rau, chè và trái cây.
Song, ông thừa nhận, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng có nhược điểm là hiệu quả chậm hơn và có thể không kiểm soát được dịch bệnh trên diện rộng trong thời gian ngắn như thuốc hóa học.
Chìa khoá của nông nghiệp sạch
Trong bối cảnh xu hướng nông nghiệp bền vững ngày càng phát triển, Bộ NN-PTNT đang triển khai các đề án thúc đẩy sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Bà Bùi Thanh Hương, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: trong số hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam, khoảng 80% là sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhưng sản lượng còn thấp.
Một trong những mục tiêu của đề án này là tăng tỷ lệ sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đồng thời xây dựng các mô hình thử nghiệm phù hợp với từng loại cây trồng.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, mặc dù sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Đặc biệt là vấn đề nâng cao công suất sản xuất và đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, bao gồm việc rà soát và điều chỉnh các quy định pháp lý để đảm bảo thuốc bảo vệ thực vật sinh học có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Trong bối cảnh nông nghiệp bền vững ngày càng được ưu tiên, việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Các chuyên gia nhấn mạnh, xu hướng quốc tế đang dần chuyển hướng mạnh mẽ sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đặc biệt là tại các thị trường khó tính như EU và Mỹ. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học như: công nghệ sinh học, nano và các phương pháp mới giúp nâng cao hiệu quả và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và AI, Việt Nam có thể áp dụng các hệ thống quản lý thông minh trong sản xuất, phân phối và giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, từ đó tạo ra một nền nông nghiệp thông minh và bền vững.