Ngày 22-7, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 (ngày 22-11-2014) của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trong 10 năm, từ năm 2014 đến 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân cho vay trên 739.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 13.786 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay từ 19 chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt 5.465 tỷ đồng, tăng 3.217 tỷ đồng, với trên 158.000 hộ vay vốn còn dư nợ (tăng 143,7% so với thời điểm năm 2014).
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sóc Trăng là trên 339 tỷ đồng, chiếm 6,08%/tổng nguồn vốn (tăng 293 tỷ đồng, gấp 7,4 lần so với trước khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành).
Bà Trịnh Bích Tuyền, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết: Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có mạng lưới 3.171 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp đến tất cả ấp, khóm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, với 158.794 hộ đang còn dư nợ, bình quân 1 tổ có 50 thành viên, dư nợ bình quân đạt 1,7 tỷ đồng/tổ.
Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng hiện có 109/109 đơn vị hành chính cấp xã có điểm giao dịch, được tổ chức giao dịch vào một ngày cố định hàng tháng.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nguồn tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,5% vào năm 2014 xuống còn 2,5% vào cuối năm 2023 (giảm từ 39.000 hộ nghèo xuống còn 8.500 hộ).
Bên cạnh đó, nguồn tín dụng chính sách còn giúp tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ đó, có thể khẳng định Chỉ thị số 40 là chủ trương đúng đắn của Đảng, được ban hành kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.