Hơn 70 người đứng đầu bị xử lý hình sự trong 4 năm qua

Ngày 24-12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt, trong 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại hơn 117.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý hơn 2.900 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

TTCp2.jpg
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn. Công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là hơn 235.200 người.

Tính đến ngày 23-9-2024, đã có hơn 19.200 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó: có hơn 5.100 thủ tục của người dân, hơn 4.700 thủ tục của doanh nghiệp; có hơn 55,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 70,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì mức độ cao.

Cũng theo đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá. Theo đó, trong giai đoạn 2020 - 2024, đã có hơn 2 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; có hơn 37.100 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

TTCP.jpg
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt thông tin tại hội nghị

Thông qua hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, tòa án cấp sơ thẩm xác định có 179 vụ án với 602 bị cáo thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản. Tòa án đã tuyên tổng số tiền, tài sản tham nhũng (được quy đổi giá trị bằng tiền) phải thu hồi là hơn 4.500 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2020 - 2024 có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết.

Tuy vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn có tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao...

Tin cùng chuyên mục