Ngày 26-11, UBND tỉnh An Giang phối hợp cùng Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế bàn về “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng hệ thống sông ở ĐBSCL”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, Sở NN-PTNT và Sở TN-MT các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học trong nước và nhiều tổ chức quốc tế...
Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, hiện tượng xói lở, sạt lở bờ sông ở ĐBSCL diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 toàn vùng có gần 100 điểm sạt lở thì đến năm 2019 đã tăng lên hơn 680 điểm; trong đó An Giang và Đồng Tháp là những địa phương bị sạt lở nghiêm trọng nhất.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt bờ sông tại ĐBSCL do địa hình, địa chất đất mềm yếu, chế độ dòng chảy, thủy triều, đây là những nguyên nhân khách quan khó kiểm soát. Song, nguyên nhân quan trọng và có thể kiểm soát được đó là con người tạo ra, khi xây dựng tràn lan, cất nhà ở và công trình gần bờ sông, đường giao thông; tạo sóng từ phương tiện giao thông thủy, khai thác cát quá mức, thiếu hụt bùn cát do xây dựng các hồ chứa trên dòng chính sông Mê kông… Tất cả dẫn đến sạt lở bờ sông ở ĐBSCL lan rộng. Ngoài ra, nguồn phù sa màu mỡ tại khu vực này ngày càng ít đi, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của toàn vùng.
Trước tình trạng sạt lở bờ sông đến mức báo động ở ĐBSCL; nhiều nhà khoa học trong nước và các chuyên gia quốc tế từ Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ… đã đề xuất nhiều giải pháp phòng chống, cùng những kinh nghiệm khắc phục, hạn chế sạt lở, bồi lắng… Cần gia cố ở những nơi bị sạt lở, kè bảo vệ bằng giải pháp công trình, hoặc kè kiên cố ở những nơi đông dân cư. Ngoài ra, nên khảo sát và đánh giá chính xác về các điểm sạt lở, nơi có nguy cơ sạt lở bờ sông để ứng phó kịp thời.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp nhiều khó khăn khi tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như ảnh hưởng đời sống người dân. Vì vậy, hội thảo lần này là rất cấp thiết nhằm đưa ra những giải pháp khoa học phòng chống sạt lở và bồi lắng. Mục tiêu là ổn định sản xuất và đời sống người dân, hướng tới sự phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL…”.