Các nội dung vướng mắc được các doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại gồm: danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu; hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu; thủ tục xác định trước mã số hàng hóa; cưỡng chế nợ thuế và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh…
Cục Hải quan TPHCM đã có những giải đáp cụ thể. Về mặt hàng chưa được liệt kê và xác định mã số hàng hóa trong các danh mục ban hành, hải quan hướng dẫn việc xác định mã số hàng hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Sau khi thông quan, các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu có văn bản gửi về bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT…) làm cơ sở phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, cập nhật và ban hành danh mục bổ sung.
Cơ quan hải quan cũng lưu ý, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có 2 hình thức, do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc doanh nghiệp tự chứng nhận. Tuy vậy, trong quá trình giám sát phát hiện nhiều sai sót, doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định (lời văn không đúng mẫu, không đúng nội dung quy định tại chứng từ chứng nhận xuất xứ…), ảnh hưởng trực tiếp đến việc thông quan hàng hóa cũng như được hưởng các chính sách ưu đãi phi thuế quan.
Số liệu từ Cục Hải quan TPHCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý 918 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2.200 tỷ đồng, phạt tiền hơn 17 tỷ đồng. Tính đến tháng 3-2024, có hơn 4.800 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn với tổng số tiền trên 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, có một số khoản nợ cách nay khoảng 20-30 năm liên quan đến những doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng xuất khẩu…
Trước thực trạng này, cơ quan hải quan áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với giám đốc hoặc đại diện pháp luật của doanh nghiệp và bắt đầu thu được kết quả khả quan. Cục Hải quan TPHCM cũng cho hay, chỉ cần người đại diện pháp luật hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì thời gian hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ kéo dài trong 24 giờ làm việc.