Hơn 430.000 thí sinh cả nước đang dự thi bài thi khoa học xã hội (KHXH). Tương tự bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), bài thi KHXH lần đầu tiên xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia. Đây cũng là buổi thi cuối cùng khép lại kỳ thi THPT quốc gia 2017 sau 2,5 ngày thí sinh chính thức trải qua 5 bài thi. Trong chiều nay, Bộ GD-ĐT cũng sẽ công bố đáp án các bài thi, đồng thời họp báo công bố kết quả kỳ thi 2017.
Bài thi KHXH gồm tổ hợp 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Mỗi môn thành phần có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút/môn. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia và cũng là năm đầu tiên các môn Lịch sử, Địa lý và giáo dục công dân được tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm. Càng đặc biệt hơn khi kỳ thi năm 2017, số thí sinh đăng ký dự thi bài KHXH còn nhỉnh hơn một chút so với số thí sinh dự thi bài thi KHTN. Đây là điều mà xã hội khá bất ngờ và Bộ GD-ĐT cho rằng do thành công của việc đổi mới cách thi, cách học mang lại.
Thí sinh lớp 12 nếu chọn bài thi KHXH để xét tốt nghiệp THPT phải thi toàn bộ ba môn thành phần; các thí sinh tự do có thể chọn thi các môn thành phần của bài KHXH phù hợp với tổ hợp xét tuyển đại học. Điều này là tương tự với bài thi KHTN. Bên cạnh đó, thí sinh có thể chọn cùng lúc thi cả 2 bài thi tổ hợp KHXH và KHTN để chọn điểm bài thi cao nhất xét tốt nghiệp và dự tuyển vào đại học.
Theo thống kê của Bộ GD- ĐT, cả nước có hơn 430.000 thí sinh chọn thi môn Giáo dục công dân, gần 500.000 thí sinh chọn môn Địa lý. Riêng ở môn Lịch sử, có hơn 513.000 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm gần 60% tổng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia, cao hơn nhiều so với các năm trước.
* Riêng tại Cụm thi do tỉnh An Giang chủ trì năm nay có hơn 14.000 thí sinh dự thi, trong đó có 661 thí sinh tự do, số lượng thí sinh đăng ký chọn môn thi KHXH ít hơn so với số học sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên.
Theo bà Đặng Thị Vớn, Phó phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và Khảo thí (Sở GD-ĐT An Giang), toàn tỉnh có 10 phòng thi chỉ có từ 1 đến 2 thí sinh tự do dự thi.
Tại điểm thi Trường THPT Trần Văn Thành (huyện Châu Phú) 1 phòng thi chỉ có 1 thí sinh nữ (sinh năm 1983) dự thi môn tiếng Pháp và bố trí 2 giám thị coi thi, một giám sát hành lang.
Sáng ngày 24-6, phòng thi 41 tại điểm thi Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu chỉ có 2 thí sinh cùng dự thi môn Lịch sử và Giáo dục công dân. Để tạo thuận lợi cho thí sinh, điểm thi bố trí hai giám thị và một giám sát để phục vụ thí sinh. Theo quy chế, sau khi thi môn Lịch sử, 2 thí sinh sẽ ngồi tại phòng hết 50 phút sau đó sẽ thi môn Giáo dục công dân.
Đoàn kiểm tra do TS Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM dẫn đầu đã kiểm tra nhiều điểm thi tại An Giang trước và trong lúc làm bài thi. Theo đánh giá của TS Hà Hữu Phúc, tỉnh An Giang chuẩn bị và tổ chức thi và tạo điều kiện rất tốt cho thí sinh dự thi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi thi.