Liên quan tới vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan, ngày 17-7, trao đổi với phóng viên, các luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho hay, họ vừa có đơn để thể hiện quan điểm bào chữa của mình gửi tới các cơ quan tố tụng ở Hà Nội.
Các luật sư khẳng định, những quan điểm trong đơn không nhằm phủ nhận trực tiếp các nội dung trong kết luận điều tra, cáo trạng, mà chỉ nêu lên những nội dung khách quan, căn cứ hiện hữu và các quan điểm pháp lý.
Trong đơn, các luật sư nêu lên 5 nội dung đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét. Cụ thể, các luật sư đề nghị xem xét thêm một số vấn đề liên quan đến hành vi nhận thức của ông Trịnh Văn Quyết đối với hoạt động của Công ty Faros để làm rõ hơn về những điều kiện/hoàn cảnh khách quan, cũng như nhận thức của các bị cáo trong quá trình thực hiện hành vi.
Các luật sư cũng cho biết, tại đơn đề nghị trình bày quan điểm bào chữa đã gửi tới cơ quan tố tụng vào ngày 12-7 vừa qua, các luật sư đã gửi kèm 376 văn bản của nhiều tổ chức, cá nhân (được ký bởi hơn 4.200 người là các khách hàng, đối tác, người dân cư trú trên địa bàn các dự án do ông Quyết chỉ đạo triển khai, các cán bộ nhân viên, cựu cán bộ nhân viên…) đề nghị giảm án, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Trịnh Văn Quyết và các bị cáo khác trong vụ án.
Tới chiều 17-7, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (Công ty luật TNHH SmiC) bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, người nhà thân chủ bà vừa tiếp tục nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC. Đến nay, thân chủ của bà đã nộp hơn 210 tỷ đồng để khắc phục vụ án, đồng thời vận động người thân "tiếp tục nộp tối đa tiền khắc phục hậu quả vụ án trước và khi tòa đang xét xử".
Trước đó, ngày 4-7, luật sư Vũ Đặng Hải Yến đã thông tin, quá trình làm việc với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC mong muốn các luật sư khi bào chữa không đưa nội dung mang tính chất phản biện, phủ nhận trực tiếp đối với các hành vi của mình đã được xác định tại kết luận điều tra, kết luận điều tra bổ sung và cáo trạng đã ban hành, mà chỉ tập trung trình bày, đề xuất áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Theo luật sư Yến, ông Trịnh Văn Quyết tha thiết xin, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giảm nhẹ, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo là người thân, người quen, đồng nghiệp/cấp dưới bị liên đới trong vụ án. Bởi, theo ông Quyết, các bị cáo này là những người buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của mình, không được bàn bạc, trao đổi về kế hoạch, mục đích; là những cá nhân có quan hệ phụ thuộc (người thân, quan hệ gia đình, cấp dưới); không được nhận một cách đầy đủ các thông tin liên quan đến công việc được giao; không được hưởng lợi hay được phân chia bất cứ lợi ích nào. Do đó, ông Trịnh Văn Quyết xin được giảm nhẹ cho các bị cáo bị liên đới trước khi xin giảm nhẹ cho bản thân.
Trong vụ án, ông Trịnh Văn Quyết cùng 7 người khác bị xét xử về các tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Các bị cáo còn lại hầu tòa về các nhóm tội danh: lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; thao túng thị trường chứng khoán; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, giai đoạn 2017-2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều nhân viên Tập đoàn FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty; sau đó mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm Tập đoàn FLC. Qua đó, ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.