Trong đó, có 195 công ty đại chúng không phải là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng vẫn chậm niêm yết như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không, Tổng công ty cổ phần Phát triển năng lượng Nghệ An… và có cả những ngân hàng chưa lên sàn chứng khoán như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thương tín, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex…
Ngoài ra, có 218 doanh nghiệp đại chúng hình thành từ hậu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, Tổng công ty rau quả - nông sản, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1… cũng chậm niêm yết theo quy định. Đặc biệt, có doanh nghiệp ngành dệt may cổ phần hóa đã hơn 10 năm, hay doanh nghiệp ngành rượu bia cổ phần hóa đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định, gây bức xúc trong cổ đông.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhiều năm liền chậm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là do chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm chưa tạo được tính răn đe. Mặc dù việc doanh nghiệp chậm niêm yết và đăng ký giao dịch gây ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, làm hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Do vậy, các chuyên gia đánh giá việc doanh nghiệp chậm lên sàn sẽ gây nhiều ẩn họa với nhà đầu tư. Bởi trước thực trạng nhiều hoạt động mua bán cổ phiếu lòng vòng của ban lãnh đạo thì chính việc chậm lên sàn sẽ có thời gian cho các hoạt động không minh bạch này, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho cả nhà đầu tư lẫn cổ đông nhà nước.